Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Hồ Thị Kim Ngân phát biểu tại hội trường, góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. |
Tại phiên thảo luận, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Kạn Hồ Thị Kim Ngân đề nghị cần rà soát, đối chiếu một số nội dung quy định của dự thảo Luật với các quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính thống nhất, chặt chẽ và phù hợp.
Từ những phân tích và đối chiếu giữa quy định thời gian nộp tiền đặt trước, thông báo người đủ/không đủ điều kiện tham gia đấu giá khác nhau, tùy thuộc vào từng trường hợp với quy định về tiếp nhận hồ sơ đấu giá, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân cho rằng còn có những điểm bất cập, chưa phù hợp, cần được nghiên cứu xem xét sửa đổi và để thống nhất trong quy định, thuận lợi, dễ áp dụng trên thực tiễn, tránh việc mỗi trường hợp, mỗi loại tài sản lại quy định khác nhau, gây khó hiểu và khó áp dụng, đồng thời hạn chế việc thông đồng, tình trạng “hồ sơ ảo”. Đại biểu đề nghị nghiên cứu, không chia thành nhiều trường hợp như dự thảo mà quy định theo hướng: Tất cả các trường hợp đấu giá, không phụ thuộc loại tài sản, cứ nộp hồ sơ là nộp tiền đặt trước, trường hợp khi thẩm định, xét duyệt không đủ điều kiện thì sẽ được trả lại tiền đặt trước; thời hạn nộp hồ sơ và tiền đặt trước quy định khoảng thời gian hợp lý, thống nhất với nhau. Đối với Thông báo thì thông báo cả người đủ và người không đủ điều kiện tham gia đấu giá, lý do không đủ điều kiện để những người đã nộp hồ sơ tham gia đấu giá đều nắm được, đảm bảo công khai, khách quan.
Liên quan đến trả lại tiền đặt trước, dự thảo Luật quy định, tổ chức hành nghề đấu giá tài sản có trách nhiệm trả lại cho người tham gia đấu giá khoản tiền đặt trước mà người tham gia đấu giá đã nộp nhưng không đủ điều kiện tham gia đấu giá theo thông báo của tổ chức hành nghề đấu giá tài sản trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thông báo hoặc thời hạn khác do các bên thỏa thuận.
Theo đại biểu, quy định trên có điểm bất cập, chưa hợp lý. Với quy định trên, trường hợp người tham gia đấu giá đã nộp tiền đặt trước nhưng không đủ điều kiện tham gia đấu giá thì được trả lại khoản tiền đặt trước đã nộp, không đề cập đến tiền lãi của khoản tiền đặt trước (nếu có). Trong khi đó, quy định tại các khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều 39 Luật Đấu giá tài sản đều có quy định về tiền lãi của tiền đặt trước. Do đó, đối với quy định này, đại biểu đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định về tiền lãi (nếu có) của tiền đặt trước trong trường hợp người nộp tiền đặt trước không đủ điều kiện tham gia đấu giá.
Đối với quy định trường hợp đấu giá quyền khai thác khoáng sản mà giá khởi điểm chưa xác định được bằng tiền thì tiền đặt trước được xác định theo quy định của pháp luật về khoáng sản (tại điểm b, khoản 13, Điều 1 dự thảo Luật bổ sung khoản 1a vào sau khoản 1, Điều 39 Luật Đấu giá tài sản), tuy nhiên khi đối chiếu với quy định của pháp luật về khoáng sản về nội dung này, đại biểu cho rằng còn có điểm bất cập. Theo quy định của pháp luật về khoáng sản, để đấu giá quyền khai thác khoáng sản thì tiền đặt trước, giá khởi điểm phải tính bằng tiền và để xác định được khoản tiền đặt trước thì phải xác định được giá khởi điểm (tại khoản 2, Điều 4 và Điều 5 Nghị định số 22/2012/NĐ-CP, khoản 1 và khoản 2, Điều 2 Thông tư liên tịch số 54/2014/TTLT-BTNMT-BTC, khoản 3, Điều 5 Luật Đấu giá tài sản năm 2016). Do đó, để phù hợp, thống nhất với quy định của pháp luật về khoáng sản thì cần xem xét, nghiên cứu lại nội dung liên quan đến đấu giá quyền khai thác khoáng sản quy định tại điểm b, khoản 13, Điều 1 dự thảo Luật.
Trước đó, với kết quả 465 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm tỷ lệ 94,13%, Quốc hội đã thông qua Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)./.