SỰ TÍCH ĐỀN THÁNH VÀ LỄ HỘI PHỦ THÔNG

BBK -  Tác phẩm đạt giải Nhì Cuộc thi sáng tác, sưu tầm các câu chuyện hay gắn liền với di tích, danh lam thắng cảnh của tỉnh Bắc Kạn do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Kạn tổ chức.

Đình Thánh (người dân địa phương thường gọi là Đền “Slấn Slánh”) là ngôi đền lớn nhất tổng Phương Linh, được xây cất trên chân đồi (Đồn Điền) sau chợ cũ Phủ Thông, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn. Tương truyền rằng, đình Thánh Phủ Thông, ngoài thờ Thần Nông thì nơi đây là cơ sở thờ tự một vị tướng quân triều đình có công dẹp loạn để yên dân đã bị tử trận tại địa bàn Phủ Thông.

Lễ đền Thánh Minh hoạ: Quang Duy

Lễ đền Thánh

Minh hoạ: Quang Duy

Thời loạn lạc giặc cỏ khoảng thế kỷ XVIII, có đám tàn quân của Lý Tam, dưới trướng thủ lĩnh Lường Tam Kỳ (đại bản doanh ở Chợ Chu, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên) đóng trại tại thôn Phiêng Mòn, xã Tú Trĩ (xã Tân Tú ngày nay), ban ngày chúng thường tràn ra các vùng xung quanh quấy nhiễu, cướp bóc, tàn sát dân lành. Để dẹp loạn, triều đình đã phái một đạo quân lên trấn ải khu vực Phủ Thông, dựng trại ở thôn Nà Sang (thuộc xã Vi Hương), có một đồn tiền tiêu tại thôn Nà Phải (thuộc xã Phương Linh).

Trong một trận quyết chiến ngay tại cánh đồng Nà Phải, viên tướng chỉ huy quân triều đình chẳng may bị tử trận, giặc loạn chém rớt thủ cấp ngài tại một thửa ruộng - nơi về sau dân bản địa gọi là Nà Mổ (đắp mộ chôn cất thủ cấp ngay tại ruộng). Thân mình viên tướng vẫn bám trên lưng ngựa chiến, phi nước đại qua cánh đồng, vượt sông, leo lên chân đồi sau chợ Phủ Thông (đồi Đồn Điền) mới đổ ngã. Địa điểm nơi thi thể viên tướng nằm, Nhân dân xây cất một ngôi đình bằng gỗ bề thế để hương khói thờ cúng người anh hùng đã hy sinh. Ngày tổ chức lễ giỗ tại đình nhằm ngày 20 tháng Giêng âm lịch hằng năm - đúng vào ngày vị tướng bị tử trận. Nhân dân địa phương đã tôn vinh vị tướng như vị thánh thần để thờ, mong Ngài phù hộ cho sự an lành. Đình thờ gọi là Đình Thánh (Slấn Slánh), cũng là thời gian, địa điểm để tổ chức lễ hội Xuân Phủ Thông.

Để ghi công vị tướng anh hùng đã tử trận do dẹp loạn, an dân, Triều đình (thời vua Minh Mạng) truy phong tước hàm Quận Công và cấp Sắc Thần Phả cho Đình Thánh Phủ Thông. Đáng tiếc, về sau không ai còn nhớ họ, tên, bản quán vị tướng quân này .

Lễ, hội Phủ Thông diễn ra trong ba ngày (nguyên bản). Ngày 19 tháng Giêng tổ chức lễ nghi. Trước hết, người ta tổ chức rước kiệu Sắc Thần Phả của đình từ sở lỵ tỉnh Bắc Kạn lên Phủ Thông. Tại đình, lễ vật địa phương được trang trọng dâng lên. Sau hồi trống chiêng uy nghiêm, người chủ trì đình đọc bài khấn trước sự có mặt của các chức sắc địa phương các cấp (từ tỉnh đến châu, phủ, thôn, bản) và các bô lão uy danh sở tại. Văn khấn tế vinh danh công đức vị Quận Công cùng cùng binh sĩ triều đình dẹp loạn, yên dân, tới lời cầu mong các thần phù hộ mang lại mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu… Phần hội diễn ra suốt đêm 19, cả ngày 20 và kết thúc vào nửa ngày 21. Dự hội, ngoài công chúng trên địa bàn, còn có cả Nhân dân xung quanh trong vùng, như Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang. Tại đây, diễn ra hát lượn phong phú, từ hát ả đào dưới Hà Nội lên, sli lượn của người Nùng Lạng Sơn, hát then đàn tính Cao Bằng, lượn Slương, lượn Cọi, lượn Nàng ới… bản địa. Mọi người thưởng thức các món ẩm thực vùng miền, chơi bài thâu đêm suốt sáng. Các trò chơi dân gian: Tung còn, kéo co, đẩy gậy, bịt mắt bắt dê… nhộn nhịp cả ngày. Từ trẻ đến già, người người nô nức đến với lễ, hội. Đôi lứa tâm tình hẹn hò hội Xuân năm tới gặp lại./.

Tác giả: Lèng Văn Tý

Tổ 12, phường Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn

Nguồn sưu tầm: Theo lời kể của cụ cố nhà giáo lão thành Hoàng Khải Sơn

- 93 tuổi, ở phố Đầu Cầu, thị trấn Phủ Thông)

Xem thêm