Ông Mạc Luân Tiến, Bí thư chi bộ thôn Bản Piềng, xã Lục Bình (Bạch Thông) là người có uy tín, trách nhiệm trong công việc. Gần 20 năm trên cương vị là Bí thư chi bộ thôn, ông luôn tích cực tuyên truyền, vận động bà con tham gia phát triển kinh tế để xoá đói giảm nghèo.
Bản Piềng là một trong những thôn còn khó khăn của xã Lục Bình. Thôn có 50 hộ dân, đời sống kinh tế chủ yếu dựa vào đồi rừng và cây lúa. Chi bộ thôn có 6 đảng viên, luôn gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động của thôn.
Căn cứ trên tình hình thực tế của địa phương, chi bộ thôn Bản Piềng bám sát kế hoạch hoạt động của Đảng bộ xã, từ đó truyền đạt các nội dung sinh hoạt chi bộ, triển khai kế hoạch sản xuất nông lâm nghiệp tới các hội, đoàn thể và quần chúng nhân dân.
ông Mạc Luân Tiến luôn gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế hộ gia đình. |
Mặc dùđã ngoài 60 tuổi nhưng lòng nhiệt tình với công tác xã hội, với thôn xóm luôn được ông Tiến nêu cao. Ngoài cương vị là Bí thư chi bộ, ông còn gánh vác nhiều nhiệm vụ khác của thôn như: Ban chấp hành hội người cao tuổi xã, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn, Chi hội phó Hội cựu chiến binh, tổ trưởng tổ hoà giải thôn. Trên cương vị nào, ông cũng luôn gương mẫu, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ông đã đi vận động từng hộ dân, góp công sức và tiền để mở con đường mới, đổ bê tông dài hơn 500 mét.
Là thôn thuộc diện 135, tỷ lệ hộ nghèo của thôn Bản Piềng còn cao- với 12 hộ, chiếm 24%, hộ cận nghèo 12 hộ. Những năm qua, được sự quan tâm của nhà nước và những chương trình hỗ trợ khác, có 4 hộ gia đình đã được làm nhà mới. Bà con được hỗ trợ cây, con giống, phân bón, tập huấn khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông, lâm nghiệp. Thôn được xây mới 3 phai đập dẫn nước, cung cấp đủ nguồn nước cho 8,6 ha đất trồng lúa hai vụ và 6,8 ha đất một vụ. Bên cạnh đó, các hộ trong thôn đều tham gia trồng rừng nguyên liệu theo dự án, đến nay rừng đã đến tuổi khai thác.
Ông Mạc Luân Tiến cho biết: Để vận động bà con tích cực tham gia phát triển kinh tế, người Bí thư chi bộ luôn phải sâu sát, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, dám chịu trách nhiệm trước dân, tuyên truyền, vận động bà con thấy được lợi ích khi tham gia vào các phong trào của địa phương.
Từ phong trào này, đã có nhiều hộ vươn lên làm giàu như: ông Hà Văn Toàn, Mạc Văn Thắng, bà Nông Thị Vân... Việc tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm nâng cao năng suất, sản lượng đã trở thành phong trào. Qua đó, tổng sản lượng lương thực bình quân đầu người thôn đạt 701 kg/ người/ năm.
So với những năm trước đây, đời sống kinh tế của bà con thôn Bản Piềngđã khá hơn. Tỷ lệ hộ nghèo giảm qua từng năm, đã xuất hiện nhiều mô hình thanh niên lập nghiệp, trong thôn không có các tệ nạn xã hội, qua bình xét có 28/34 hộ đạt gia đình văn hoá.
V.N