Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội

BBK - Chiều 14/8, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40- CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo Hội nghị.

Tham dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng; đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương; Thống đốc NHNN Việt Nam; Tổng giám đốc NHCSXH Việt Nam.

1.jpg
Các đại biểu dự tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn.

Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn có các đồng chí: Hoàng Duy Chinh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Hoàng Thu Trang, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Phạm Duy Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Đại diện các sở, ban ngành, ngân hàng, huyện, thành phố.

Nhằm nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội, ngày 22/11/2014, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Ngày 10/6/2021, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Kết luận số 06-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, thể hiện chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước trong việc phát triển kinh tế gắn với thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

2.jpg
Quanh cảnh Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn.

Từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW, tín dụng chính sách xã hội đi vào cuộc sống của Nhân dân nhanh hơn, đạt hiệu quả tích cực hơn, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng, chăm lo các đối tượng yếu thế, không để ai bị bỏ lại phía sau, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, miền trên cả nước.

Vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% các xã, phường, thị trấn trên cả nước, trong đó tập trung ưu tiên đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, huyện đảo, xã đảo, vùng bãi ngang ven biển.

10 năm qua, NHCSXH đã tập trung huy động được nguồn lực lớn để cho vay, tạo điều kiện giúp trên 21 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn, với doanh số cho vay đạt 733.152 tỷ đồng. Trong đó, có hơn 12,9 triệu lượt khách hàng được vay vốn để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh tạo việc làm với doanh số cho vay là 536.269 tỷ đồng; 167.000 lượt khách hàng được vay vốn làm nhà ở; 6,8 triệu lượt khách hàng được vay vốn xây dựng các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; trên 610.000 lượt học sinh, sinh viên được vay vốn phục vụ nhu cầu học tập.

Đặc biệt, thực hiện chính sách tín dụng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, đã có 619.000 lượt khách hàng được vay vốn với doanh số cho vay đạt 43.368 tỷ đồng. Ngoài ra, Ngân hàng CSXH tiếp cận, triển khai một số dự án vay vốn nước ngoài cho mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, đến nay dư nợ 200 tỷ đồng.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đánh giá cao hoạt động tín dụng chính sách xã hội trong những năm qua. Với quan điểm chính sách xã hội vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển bền vững của đất nước, để thực hiện chính sách xã hội nói chung và tín dụng chính sách xã hội nói riêng phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp toàn diện của Đảng. Trong 10 năm qua, nhiều chính sách đã được Chính phủ ban hành như chính sách cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay để mua nhà ở xã hội, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. NHCSXH đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội triển khai nhanh chóng kịp thời, hiệu quả các chương trình tín dụng với quy mô không ngừng tăng lên. Dư nợ các chương trình tín dụng hiện nay đạt trên 350.000 tỷ đồng.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm định hướng trong hoạt động của NHCSXH trong thời gian tới đó là: Tiếp tục quán triệt sâu sắc, hiệu quả hơn các quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác chính sách xã hội theo Nghị quyết số 42-NQ/TW, ngày 24/11/2023 về tiếp tục đổi mới, nâng cao chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

Tiếp tục thực hiện tín dụng chính sách xã hội theo Chỉ thị số 40-CT/TW, chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030, cần sớm hoàn thiện Nghị định về tổ chức hoạt động của NHCSXH nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực; thực hiện hiệu quả công tác điều hành, nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác giữa NHCSXH và các tổ chức chính trị - xã hội, Ban quản lý, Tổ TK&VV. Tăng cường vai trò trách nhiệm của UBND cấp xã trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với tín dụng chính sách xã hội tại cơ sở.

Các bộ ngành Trung ương tiếp tục rà soát hoàn thiện các quy định nhằm tập trung nguồn lực cải thiện cơ cấu nguồn vốn cho NHCSXH theo hướng ổn định, bền vững với mục tiêu mở rộng các hình thức huy động vốn và nâng nguồn vốn cho vay thực hiện Chương trình MTQG trong giai đoạn tới. Các địa phương cân đối, bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH nhất là nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, nhà ở xã hội. NHCSXH tập trung ưu tiên nguồn vốn cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo đồng thời làm tốt công tác kiểm tra, giám sát nâng cao năng lực dự báo, phân tích đồng thời tích cực thực hiện công tác chuyển đổi số ngân hàng./.

Xem thêm