Thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo

BBK - Chiều 25/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp.

20-11.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp.

Nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển văn hóa; phát huy vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo của Trung ương, địa phương trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về hoạt động của quảng cáo; tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ đồng bộ, thống nhất để quản lý hoạt động quảng cáo, hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo phát triển. Bảo đảm tính phù hợp, đồng bộ, không chồng chéo với hệ thống pháp luật khác có liên quan; nâng cao trách nhiệm, năng lực của các chủ thể tham gia hoạt động quảng cáo, năng lực doanh nghiệp kinh doanh quảng cáo, thúc đẩy các hoạt động quảng cáo theo hướng công khai, minh bạch, lành mạnh, vì lợi ích chung của xã hội.

Kế thừa các quy định về phạm vi điều chỉnh tại Luật Quảng cáo năm 2012, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo quy định về hoạt động quảng cáo; quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo; quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định về quản lý nội dung và điều kiện quảng cáo; quản lý hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng, dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới và quảng cáo trên phương tiện báo chí; hoạt động quảng cáo ngoài trời.

Tại phiên thảo luận, đã có 17 đại biểu phát biểu và 01 đại biểu tranh luận. Các ý kiến phát biểu cơ bản tán thành, thống nhất về sự cần thiết sửa đổi một số điều của Luật Quảng cáo và bày tỏ kỳ vọng luật sẽ được sửa đổi, bổ sung với quan điểm và cách thức quản lý mới, góp phần thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó có ngành quảng cáo, khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật Quảng cáo hiện hành, góp phần xây dựng thị trường quảng cáo ở Việt Nam phát triển phù hợp với xu thế phát triển chung của quảng cáo trên thế giới.

Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo quan tâm nghiên cứu điều chỉnh một số nội dung như: Không nên liệt kê các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đặc biệt như trong dự thảo luật, vì các sản phẩm trên sẽ thay đổi theo từng thời điểm, mà nên giao cho Chính phủ quy định chi tiết, để phù hợp với tinh thần đổi mới tư duy xây dựng pháp luật hiện nay và phù hợp với đặc điểm của Luật Quảng cáo; quan tâm đến ảnh hưởng của quảng cáo đến trẻ em. Đại biểu cho biết, nhiều nghiên cứu cho thấy, quảng cáo có tác động và tác động có tính chất tích lũy đến cảm xúc, hành vi, cách cảm nhận về các chuẩn mực, tác động đến tâm lý, thái độ sống, lối sống của trẻ em. Vì vậy, Luật Quảng cáo hiện hành đã có quy định về việc cấm quảng cáo tạo cho trẻ em có suy nghĩ, hành động trái với đạo đức và thuần phong, mỹ tục và cấm quảng cáo gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và sự phát triển bình thường của trẻ em.

Khẳng định những quy định này là đúng nhưng còn tương đối chung chung, chưa thực sự rõ ràng, đại biểu cho rằng việc nhận diện hay đánh giá thế nào về ảnh hưởng xấu của quảng cáo đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ em là vấn đề cần quan tâm… Đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu để quy định rõ hơn nội dung về cấm quảng cáo ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và phát triển bình thường của trẻ em. Theo đó, cần phải có tổ chức chuyên trách thực hiện nhiệm vụ đánh giá và giám sát việc quảng cáo. Nêu quan điểm về việc quảng cáo trái với văn hóa, thuần phong mỹ tục, đại biểu đề nghị giao cho Chính phủ quy định cụ thể về việc này như thế nào. Ngoài ra, Ban soạn thảo dự án Luật cần nghiên cứu, đưa ra quy định rõ hơn về việc quảng cáo trên mạng xã hội...

Phát biểu giải trình tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng bày tỏ cảm ơn các ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội đối với dự thảo Luật và sẽ nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến hợp lý… Khẳng định lĩnh vực quảng cáo là lĩnh vực khó, Bộ trưởng cho biết, so với Luật Quảng cáo hiện hành, dự thảo Luật có nhiều điểm mới, trong đó đặc biệt có nội dung về quảng cáo trên không gian mạng.

Sau kỳ họp này, cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan sẽ tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu các ý kiến phát biểu tại tổ và hội trường để xây dựng báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến các vị đại biểu Quốc hội hoàn chỉnh dự thảo luật để báo cáo tại kỳ họp tới./.

Xem thêm