Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông từ việc khai thác, tập kết, vận chuyển gỗ rừng trồng

BBK - Không biển cảnh báo, cũng chẳng có người cảnh giới, những khúc gỗ được khai thác trên rừng được lao thẳng xuống đường giao thông, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người và phương tiện qua lại.
Việc người dân khai thác rừng trồng rồi lao gỗ xuống đường giao thông tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Việc người dân khai thác rừng trồng rồi lao gỗ xuống đường giao thông tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Ngày cuối tuần, thời tiết thuận lợi, gia đình ông T.V.T, xã Côn Minh khai thác rừng trồng để bán cho tư thương. Khu rừng mỡ 7 năm tuổi của gia đình có diện tích gần 3.000m2 nằm cạnh Quốc lộ 3B nên rất thuận lợi cho việc khai thác, vận chuyển. Cưa hạ được khoảng chục cây, ông T gom vào, trông chừng vắng người qua lại rồi lao gỗ xuống vệ đường. Ông T cho biết, vẫn cảm thấy thiếu an toàn khi khai thác rồi lao gỗ xuống đường như vậy, nhưng vì tiện nên vẫn làm.

Gần về cuối năm (âm lịch) nhu cầu tiêu thụ gỗ rừng trồng tăng cao, nhiều chủ rừng trên địa bàn huyện Na Rì tập trung khai thác bán. Không khó bắt gặp phương thức khai thác gỗ rừng trồng rồi lao xuống như gia đình ông T trên Quốc lộ 3B, đoạn qua địa phận huyện Na Rì. Điều này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn và gây tâm lý bất an cho người tham gia giao thông vào mùa cao điểm khai thác gỗ.

Vào đầu năm 2023, trong một lần về quê ở xã Xuân Dương, chị Hoàng Thị Mới (trú thành phố Bắc Kạn) suýt bị tai nạn do người dân lao gỗ khai thác từ trên rừng xuống. Chị Mới kể: Chiều hôm ấy đang lưu thông trên Tỉnh lộ 256 đoạn thuộc xã Trần Phú thì nghe tiếng rầm, hoảng hồn tôi phanh gấp nên may mắn không bị khúc gỗ lớn từ trên đồi lao trúng. Từ đó mỗi lần về quê, nhất là mùa cao điểm khai thác gỗ, tôi không dám đi quá gần phía lề đường và cẩn trọng quan sát.

Những đống gỗ được tập kết quá sát đường giao thông gây nguy hiểm khi trời tối hay thời tiết không thuận lợi.

Những đống gỗ được tập kết quá sát đường giao thông gây nguy hiểm khi trời tối hay thời tiết không thuận lợi.

Mối nguy hiểm còn rình rập người đi đường từ những đống gỗ tập kết bên ven đường. Theo quan sát của phóng viên, nhiều hộ dân để gỗ ngổn ngang ven đường hoặc có xếp thành đống nhưng lại quá sát mép đường điều này gây nguy cơ mất an toàn đối với người điều khiển phương tiện giao thông khi trời tối, thời tiết có mưa hoặc sương mù.

Chủ tịch UBND xã Côn Minh, ông Sằm Văn Thường cho biết: Nhận thấy việc khai thác, tập kết, vận chuyển gỗ rừng trồng ven đường giao thông tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, UBND xã đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn phối hợp với cơ quan chuyên môn tuyên truyền, nhắc nhở các hộ dân nhưng hiệu quả mang lại chưa thật sự cao.

Theo số liệu thống kê của cơ quan chuyên môn, sản lượng khai thác gỗ của huyện Na Rì tính đến cuối tháng 11 năm 2023 là 50.146/50.000m3, đạt 100,29% kế hoạch; khai thác củi là 101,176/100.000 ster, đạt 101% kế hoạch; luồng, vầu là 155.750/2.000.000 cây, đạt 7,78% kế hoạch; khai thác vỏ quế 176 tấn. Chủ trương của tỉnh và huyện Na Rì là luôn khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để người dân phát triển kinh tế rừng. Tuy nhiên, việc khai thác, tập kết, vận chuyển gỗ rừng ven các đường giao thông thời gian qua tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Vì vậy, cấp, ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nhắc nhở để người dân khắc phục tình trạng trên, phòng tránh rủi ro cho người tham gia giao thông./.

Xem thêm