Tiếp cận đa chiều nhằm giảm nghèo bền vững

0:00 / 0:00
0:00

BBK - Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đã được tỉnh Bắc Kạn triển khai thực hiện hiệu quả, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, khơi dậy tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo của người dân. 

IMG_2251.JPG
Người dân xã Quang Thuận (Bạch Thông) phát triển diện tích trồng cây mướp đắng

Thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Bắc Kạn thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo thường xuyên và giảm nghèo đa chiều, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo ổn định cuộc sống, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều, thoát nghèo bền vững.

Trong đó, tập trung vào các nội dung trang bị kiến thức, hỗ trợ sinh kế, cho vay tín dụng ưu đãi, hỗ trợ làm nhà, xây dựng công trình sinh hoạt thiết yếu cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân ở vùng khó khăn trên địa bàn. Năm 2023 tỷ lệ giảm nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều đạt và vượt kế hoạch đề ra (giảm 2,76%). Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 2 - 2,5%/năm theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, trong đó tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các huyện nghèo giảm bình quân từ 4 - 5% trở lên.

Tỉnh triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện như: Hỗ trợ thủ tục cho 13.194 lượt hộ nghèo; 6.230 lượt hộ cận nghèo; 2.159 hộ mới thoát nghèo vay vốn phát triển kinh tế; cấp thẻ BHYT cho 212.821 đối tượng chính sách xã hội; thực hiện hỗ trợ miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho 124.507 lượt học sinh nghèo, cận nghèo với kinh phí 246.408 triệu đồng; thực hiện hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho các hộ nghèo có khó khăn về nhà ở được 1.797 hộ, số tiền 68.728 triệu đồng…

Nhằm đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã triển khai Dự án liên kết chăn nuôi lợn nái sinh sản gắn với tiêu thụ sản phẩm tại xã Trần Phú, huyện Na Rì. Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức triển khai 02 dự án liên kết chuỗi giá trị hỗ trợ các chu kỳ tiếp theo của dự án đã được phê duyệt. Cấp huyện, thành phố đã thẩm định 13 dự án cộng đồng; 07 dự án chuỗi liên kết giá trị đã lập hồ sơ thẩm định, các dự án dự kiến thực hiện năm 2024.

IMG_9634.JPG
Các chính sách dạy nghề, tạo việc làm và xuất khẩu lao động trong năm 2023 đã giải quyết việc làm cho 8.000 lao động.

Tuy nhiên, Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 vẫn còn gặp nhiều khó khăn, như: Để thực hiện quy trình thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị cần qua nhiều bước, nhiều thủ tục, mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến thời vụ, tiến độ thực hiện, tiến độ giải ngân.Bên cạnh đó, điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn, thiên tai, dịch bệnh diễn biến khó lường; hộ nghèo chủ yếu tập trung ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nhiều hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội, không có khả năng thoát nghèo, một số nơi điều kiện tự nhiên và sản xuất không thuận lợi, phong tục tập quán còn lạc hậu… gây khó khăn trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Ông Dương Bằng Giang, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Kạn cho biết: Thời gian tới, ngành tăng cường đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền nhằm khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo. Triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với quy hoạch, tiềm năng của địa phương để đạt được mục tiêu; xây dựng và phát triển các mô hình sinh kế, dự án giảm nghèo, giải quyết việc làm nâng cao thu nhập cho người dân; tổ chức đánh giá kết quả thực hiện các mô hình, dự án giảm nghèo để kịp thời khắc phục những tồn tại hạn chế, nhân rộng các cách làm hay, mô hình hiệu quả.

Tiếp tục triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ giảm nghèo thường xuyên, tạo điều kiện giúp đỡ người nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Thực hiện tốt công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định, phản ánh đầy đủ, trung thực, khách quan số hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn. Theo dõi, cập nhật đầy đủ hồ sơ, số liệu hộ nghèo, hộ cận nghèo làm cơ sở xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các chính sách an sinh xã hội./.

Xem thêm