Triển khai nhiệm vụ thực hiện đề án "Mỗi xã, phường một sản phẩm" 6 tháng cuối năm 2018

Sáng 10/7, UBND tỉnh tổ chức sơ kết 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ và giải pháp 6 tháng cuối năm 2018 thực hiện đề án “Mỗi xã phường một sản phẩm” tỉnh Bắc Kạn. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Thị Minh Hoa chủ trì hội nghị.

Sáng 10/7, UBND tỉnh tổ chức sơ kết 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ và giải pháp 6 tháng cuối năm 2018 thực hiện đề án “Mỗi xã phường một sản phẩm” tỉnh Bắc Kạn. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Thị Minh Hoa chủ trì hội nghị.

Các đại biểu tham dự hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm thực hiện đề án
Các đại biểu tham dự hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm thực hiện đề án "Mỗi xã, phường một sản phẩm"

Theo báo cáo tại hội nghị, tổng nhu cầu kinh phí thực hiện Đề án “Mỗi xã phường một sản phẩm” năm 2018 của tỉnh là gần 22 tỷ đồng, đến nay tỉnh Bắc Kạn đã bố trí trực tiếp từ ngân sách địa phương hơn 1,4 tỷ đồng, từ chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới 2,8 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm, tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện tuyên truyền về nội dung đề án OCOP; tổ chức điều tra đánh giá các sản phẩm truyền thống trên địa bàn; tập huấn cho đội ngũ cán bộ được lựa chọn vào hệ thống tổ chức OCOP, tập huấn hướng dẫn đăng ký sản phẩm; tổ chức lựa chọn ý tưởng sản phẩm… Trong đợt 1 năm 2018, đã có 66 tổ chức, cá nhân với 69 sản phẩm tham gia đăng ký thực hiện, trong đó có 42 sản phẩm đạt yêu cầu, đề xuất tham gia Chương trình OCOP – BK.

Hội nghị đã triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018 thực hiện đề án “Mỗi xã phường một sản phẩm”, trong đó: tiếp tục hỗ trợ phát triển sản phẩm mới, nâng cấp sản phẩm đã có; thực hiện tư vấn, hoàn thiện sản phẩm về quy trình sản xuất, quản lý chất lượng, hoàn thiện nhãn mác bao bì, hoàn thiện hồ sơ tham gia thi sản phẩm; đánh giá sản phẩm cấp huyện, thành phố, lựa chọn sản phẩm đạt tiêu chí tham gia dự thi cấp tỉnh, thời gian dự kiến thực hiện đánh giá sản phẩm cấp tỉnh vào tháng 12 năm 2018; triển khai các hoạt động xét chọn các sản phẩm đợt 2 vào cuối tháng 7 năm 2018...

Các địa phương đã thảo luận, đưa ra những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện Đề án “Mỗi xã phường một sản phẩm”, tập trung một số nội dung như: thiếu kinh phí, nguồn lực hỗ trợ các hợp tác xã; chưa có nhiều sản phẩm đăng ký đúng mẫu quy định; công tác tuyên truyền chưa hiệu quả, nhận thức của các hợp tác xã trong thực hiện OCOP còn hạn chế; thiếu cán bộ phụ trách, theo dõi triển khai đề án… Lãnh đạo các địa phương kiến nghị tỉnh sớm ban hành văn bản hướng dẫn triển khai chu trình OCOP, hướng dẫn sử dụng kinh phí, nguồn lực cụ thể hỗ trợ các hợp tác xã phát triển các sản phẩm thuộc đề án; trước mắt có thể lựa chọn một số địa phương xây dựng mô hình mẫu thực hiện đề án OCOP.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Thị Minh Hoa nhấn mạnh cần xác định rõ vai trò mục tiêu của chương trình OCOP là gắn với phát triển sản xuất hàng hóa, phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Vì vậy các cấp ngành, địa phương chủ động cân đối bố trí kinh phí, vận dụng nhiều nguồn lực, thực hiện lồng ghép từ các nguồn hỗ trợ. Các cấp huyện, thành phố tiếp tục kiện toàn tổ chức, giao cho 1 cán bộ phụ trách chung về nông thôn mới, hợp tác xã, chương trình OCOP và phối hợp với đơn vị tư vấn tư vấn, hướng dẫn các tổ chức kinh tế về triển khai thực tế tại địa phương; tăng cường tuyên truyền thường xuyên, liên tục thông qua các tổ chức đoàn thể như: Hội nông dân, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên…, chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện năm 2019 trong đó cân đối kinh phí thực hiện bố trí lồng ghép các chương trình, dự án, từ nguồn sự nghiệp kinh tế địa phương.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Văn phòng điều phối xây dựng Nông thôn mới và giảm nghèo tỉnh Bắc Kạn phối hợp đơn vị tư vấn tiếp tục tập huấn về mục tiêu, nội dung chương trình, tập huấn kỹ cho đội ngũ cán bộ cơ sở nòng cốt làm OCOP; tổ chức đánh giá, phát triển, hoàn thiện sản phẩm đăng ký và củng cố, nâng cao năng lực cho tổ chức kinh tế tham gia chương trình; sớm xây dựng kế hoạch triển khai đề án OCOP năm 2019. Đối với các sở ngành khác như: Công Thương; Nông nghiệp; Liên minh Hợp tác xã… tiếp tục sử dụng nguồn kinh phí khuyến công, xúc tiến thương mại đẩy mạnh phát triển sản xuất hàng hóa gắn với thực hiện đề án OCOP; nghiên cứu lựa chọn xây dựng mô hình thôn, bản kiểu mẫu phát triển sản phẩm nông nghiệp gắn với phát triển du lịch; chú trọng công tác đào tạo nghề gắn với phát triển sản phẩm địa phương; tham mưu đề xuất các giải pháp nâng cao năng lực hoạt động cho các hợp tác xã…/.

Lê Trang
 

Xem thêm