Tự hào sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia

Bắc Kạn là tỉnh có nhiều sản phẩm nông sản đã và đang được tiêu thụ mạnh trên thị trường, mang lại việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động địa phương. Trong đó có 02 sản phẩm miến dong Nhất Thiện và Tài Hoan đã được Bộ Công thương công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia.

Năm 2021, 02 sản phẩm là miến dong Tài Hoan của Hợp tác xã (HTX) Tài Hoan, xã Côn Minh (Na Rì) và miến dong Nhất Thiện của hộ kinh doanh Nguyễn Văn Thiện, xã Mỹ Phương (Ba Bể) được Bộ Công thương công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia. Riêng miến dong Nhất Thiện đã được Bộ Công thương công nhận đạt 6 năm liên tục (2015 - 2021).

Tự hào sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia ảnh 1
Phân xưởng đóng gói miến dong tại Cơ sở Nhất Thiện.

Để đạt được các tiêu chí do Bộ Công thương đề ra, 02 sản phẩm miến trên được khai thác từ lợi thế về vùng nguyên liệu, đặc trưng riêng của vùng miền và tạo việc làm cho lao động địa phương. Đặc biệt, 02 sản phẩm này đều được sản xuất trên dây chuyền công nghiệp hiện đại nhất ở Bắc Kạn.

Đối với miến dong Nhất Thiện, cơ sở đã có bề dày hoạt động sản xuất từ 15 năm qua. Quá trình hoạt động sản xuất, chế biến được thực hiện bằng máy móc, thiết bị từ công đoạn rửa củ, tách vỏ và rễ của củ dong; sau đó chà xát, tách bã, lọc bột liên hoàn. Nước tinh bột được chuyển sang hệ thống lắng lọc bột, còn xơ bã được đẩy ra ngoài. Tinh bột được đóng bao có lót túi nilon bên trong đưa vào bảo quản trong kho để sản xuất miến. Tinh bột sau khi được pha loãng dùng bơm, bơm lên thùng chứa của máy tráng. Từ thùng chứa, bột được chảy xuống khuôn tráng. Khuôn tráng được điều chỉnh độ dày mỏng linh hoạt. Bánh sau khi được tráng chín sẽ chuyển qua băng tải và đưa vào máy sấy để sấy sơ bộ (sấy dẻo), rồi chuyển vào máy cắt thành sợi miến theo quy cách yêu cầu, đồng thời chuyển phơi tự nhiên. Công đoạn cuối cùng là định lượng, đóng gói, nhập kho và xuất bán.

Do sản xuất công nghiệp nên sản lượng mỗi năm của Cơ sở Nhất Thiện lớn nhất trên toàn tỉnh, năm 2021 đạt 600 tấn, thị trường tiêu thụ sản phẩm trong phạm vi cả nước, doanh thu đạt 36 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước 350 triệu đồng; tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ dân trồng nguyên liệu dong riềng tại huyện Ba Bể, Pác Nặm, các địa phương lân cận và lao động nông thôn tham gia sản xuất tại nhà máy.

Đối với Hợp tác xã (HTX) Tài Hoan, những năm gần đây đã đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại như máy rửa củ dong, máy nghiền củ, máy lọc tinh bột, hệ thống dây chuyền tráng miến, sấy bánh dẻo… Sản phẩm miến dong Tài Hoan được sản xuất hoàn toàn từ nguyên liệu bột củ dong riềng, quy trình sản xuất được thực hiện nghiêm ngặt, kiểm soát chất lượng khắt khe nên sản phẩm luôn có độ dai, mềm và hương vị đặc trưng của củ dong, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Sản phẩm miến dong Tài Hoan đã tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường, trong đó phân phối đến tay người tiêu dùng qua 16 chuỗi siêu thị khu vực phía Bắc và các đại lý, nhà phân phối trên khắp cả nước. Sản phẩm đã được xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Doanh thu những năm gần đây không ngừng tăng lên, từ 5,2 tỷ đồng năm 2018 lên 21 tỷ đồng năm 2021, nộp ngân sách nhà nước 233 triệu đồng. HTX tạo việc làm cho 20 lao động thường xuyên và hàng trăm hộ nông dân trong vùng trồng nguyên liệu.

Để hai sản phẩm miến dong Nhất Thiện và Tài Hoan được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia, thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã quan tâm triển khai các hoạt động khuyến công, hỗ trợ về vốn, máy móc, trang thiết bị nhằm nâng cao năng lực sản xuất, năng lực quản lý cho các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất các sản phẩm công nghiệp nông thôn; tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia hội chợ, triển lãm trưng bày sản phẩm, hội nghị kết nối cung cầu, từ đó nâng cao khả năng tiếp cận, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Thời gian tới, tỉnh Bắc Kạn đề ra nhiều giải pháp đẩy mạnh hoạt động khuyến công nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, chế biến kết nối và phát triển thị trường, mở rộng liên doanh, liên kết, tìm kiếm đối tác để hợp tác đầu tư, tiêu thụ sản phẩm, nhằm phát triển nhiều hơn nữa các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia./.

Phan Quý

Xem thêm