Công tác dân tộc:

Xây dựng nông thôn mới ở Bạch Thông được hưởng lợi lớn từ Chương trình MTQG

BBK - Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN đang triển khai không chỉ giúp hoàn thiện kết cấu hạ tầng, tạo sinh kế bền vững cho người dân mà còn là nguồn lực quan trọng giúp nhiều địa phương huyện Bạch Thông xây dựng nông thôn mới.

z5832118295586_444725adf26c7a7dcef5ff83d609dabd.jpg
Gia đình chị Hà Thị Vân, thôn 2 Khau Cưởm, xã Sỹ Bình được hỗ trợ nuôi trâu từ Chương trình MTQG năm 2024.

Thôn 2 Khau Cưởm có 35 hộ dân, trong đó có 11 hộ nghèo. Xã giao kế hoạch cho thôn 2 Khau Cưởm là giảm 08 hộ nghèo trong năm nay. Đây là nhiệm vụ khó, vì thế cán bộ thôn xác định cần tuyên truyền, vận động người dân phát huy sức mạnh nội lực trên cơ sở nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước. Năm 2024, có 06 hộ dân trong thôn được hỗ trợ nuôi trâu sinh sản (01 con/hộ); 02 hộ được hỗ trợ nuôi dê (08 con/hộ); sẽ được đầu tư làm đường nội đồng và sửa chữa công trình nước sạch. Ngoài ra, hơn 10 hộ dân còn được hỗ trợ thực hiện dự án liên kết trồng khoai tây vụ đông.

Qua rà soát từ các thôn, năm 2024, xã Sỹ Bình lập danh sách 55 hộ nghèo và 58 hộ cận nghèo có khả năng vươn lên thoát nghèo; giao nhiệm vụ cụ thể cho từng hội, đoàn thể có biện pháp hỗ trợ cho các hộ thoát nghèo. Xã cũng xác định phải kết hợp hiệu quả nguồn lực của cả 03 chương trình MMTQG để giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo và về đích nông thôn mới. Riêng Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN (Chương trình MTQG), nguồn sự nghiệp sẽ dành 33 triệu đồng giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt; hơn 1,1 tỷ đồng phát triển kinh tế nông – lâm nghiệp bền vững gắn với quản lý bảo vệ rừng; 360 triệu đồng đầu tư hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống, sản xuất; 1,7 tỷ đồng thực hiện chuỗi liên kết nuôi trâu sinh sản với 68 hộ hưởng lợi… Nguồn vốn đầu tư dành gần 2,6 tỷ đồng xây dựng 07 công trình thiết yếu.

IMG_3767-1536x1152.jpeg
Huyện Bạch Thông kiểm tra, đôn đốc thực hiện Chương trình MTQG tại xã Sỹ Bình.

Ông Hoàng Sỹ Bảo, Bí thư Đảng ủy xã Sỹ Bình cho biết: “Mục tiêu giảm 55 hộ nghèo và 58 hộ cận nghèo trong năm 2024 là nhiệm vụ tương đối khó khăn. Nhưng muốn về đích trong xây dựng nông thôn mới thì chúng tôi phải giải được bài toán giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân. Chúng tôi sẽ kết hợp và sử dụng hiệu quả nguồn lực trong đó trọng tâm là từ Chương trình MTQG”.

Năm 2023, quyết tâm về đích nông thôn mới, xã Tân Tú (Bạch Thông) đã xây dựng kế hoạch chi tiết để duy trì và nâng cao các tiêu chí đã đạt; phấn đấu hoàn thành các tiêu chí chưa đạt. Xã tích cực vận động và hỗ trợ người dân tham gia các chương trình, dự án về phát triển kinh tế như nuôi dê, trâu sinh sản, sản xuất lúa hàng hóa… bằng nguồn lực các chương trình MTQG.

Hết năm 2023, xã Tân Tú hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới và được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023 tại Quyết định số 221/QĐ-UBND ngày 07/02/2024; Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Tân Tú được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Bắc Kạn chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2021 - 2025.

BK-Tan-Tu-905f34f8ecba.jpg
Năm 2023, xã Tân Tú về đích nông thôn mới nhờ một phần nguồn lực từ Chương trình MTQG.

“Nếu không có nguồn lực từ các chương trình MTQG, đặc biệt là Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN thì rất khó để địa phương có thể cán đích nông thôn mới trong năm qua”, ông Triệu Quốc Toản, Chủ tịch UBND xã Tân Tú chia sẻ.

Huyện Bạch Thông đang phấn đấu đến năm 2025 trở thành huyện nông thôn mới; toàn huyện có 14 xã, thị trấn, trong đó có 04 xã đạt xã nông thôn mới, Quang Thuận đạt xã nông thôn mới nâng cao. Theo quy định của Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông mới thì 100% số xã của huyện phải đạt xã nông thôn mới, thị trấn phải đạt tiêu chuẩn đô thị văn minh. Điều này có nghĩa là trong năm nay và năm 2025 huyện Bạch thông phải đưa 08 xã còn lại đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là nhiệm vụ nhiều khó khăn, thách thức. Cùng với phát huy sức mạnh nội lực từ Nhân dân thì yếu tố nguồn lực từ các chương trình MTQG đóng vai trò rất quan trọng.

1212-6d8b25bdf6d2.jpg
Người dân xã Lục Bình được cấp con giống để phát triển kinh tế, giảm nghèo từ Chương trình MTQG.

Ông Hà Kim Oanh, Chủ tịch UBND huyện Bạch Thông cho biết: Những năm gần đây, kinh tế - xã hội của huyện Bạch Thông có những điểm sáng nhờ trợ lực từ các chương trình MTQG. Sự thay đổi trong vùng đồng bào DTTS&MN ở Bạch Thông có thể được lượng hóa bằng những số liệu dẫn chứng cụ thể: Tổng sản lượng lương thực bình quân hằng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, đạt trên 600kg/người/năm; thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt trên 40 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ che phủ rừng đạt 79,44%; hiện nay có 41 sản phẩm OCOP được công nhận đạt 3 sao; số hộ nghèo đa chiều của huyện giảm nhanh, cuối năm 2021 còn 30,9%, đến hết năm 2023 còn 20,15%, bình quân mỗi năm giảm 5,3%; huyện Bạch Thông có 05/13 xã đạt 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, không có xã đạt dưới 9 tiêu chí… Kết quả này sẽ là cơ sở để huyện dồn lực phấn đấu thành huyện nông thôn mới vào năm 2025. Giải pháp về nguồn lực được huyện xác định là sử dụng kết hợp, hiệu quả kinh phí của cả 03 chương trình MTQG, đặc biệt là Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN (riêng năm 2024 là hơn 78 tỷ đồng)./.

Xem thêm