Ba Bể: Vốn vay hỗ trợ người hoàn lương phát huy hiệu quả

BBK - Chương trình tín dụng theo Quyết định 22/2023/QĐ-TTg, ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ được huyện Ba Bể triển khai hiệu quả, giúp người chấp hành xong án phạt tù nhanh chóng tiếp cận vốn ưu đãi, tạo lập cuộc sống mới và hòa nhập cộng đồng.

kiem-tra-nguon-von-5831-8606.png
Kiểm tra tình hình sử dụng vốn tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Ba Bể.

Triển khai Quyết định 22, Ngân hàng CSXH huyện Ba Bể đã giải ngân 100 triệu đồng cho anh Ch.M.Ph, trú tại xã Hà Hiệu, thuộc đối tượng chấp hành xong án phạt tù vay để đầu tư phát triển kinh tế gia đình.

Để giúp anh tái hòa nhập cộng đồng, nhanh chóng tiếp cận được nguồn vốn, cán bộ NHCSXH huyện phối hợp với Công an xã, chính quyền địa phương trực tiếp đến nhà, tìm hiểu nhu cầu sản xuất của gia đình, hướng dẫn anh sử dụng nguồn vốn đúng mục đích. Có vốn, vợ chồng anh Ph. mạnh dạn mở rộng quy mô trồng chè cành lên gần 3ha, mua 02 con bò giống, nay đã phát triển thành đàn 04 con. Ngoài ra, gia đình anh còn phát triển chăn nuôi lợn, đàn vịt, gà tạo thu nhập ổn định cho gia đình, giúp bản thân xóa bỏ tự ti, mặc cảm, từng bước vươn lên, tái hòa nhập cộng đồng. Sau một năm, anh Ph. đã sử dụng hiệu quả vốn vay, duy trì việc làm ổn định cho bản thân, tăng thu nhập cho gia đình.

Cũng như anh Ph., sau thời gian chấp hành xong án phạt tù, được sự động viên, hậu thuẫn của gia đình, anh H.V.V., trú tại xã Bành Trạch quyết định làm lại cuộc đời. Được Ngân hàng CSXH huyện cho vay 100 triệu đồng theo Quyết định 22, anh V. đầu tư làm chuồng trại phát triển chăn nuôi. Đàn vật nuôi phát triển khỏe mạnh, sinh sản tốt, đến nay, mô hình chăn nuôi của anh duy trì 02 con lợn nái sinh sản, 08 con lợn thịt; đàn dê sinh sản 24 con và 02 con bò. Nhờ đó, thu nhập của gia đình anh dần cải thiện, trả lãi ngân hàng đầy đủ, ổn định cuộc sống.

Tính đến thời điểm hiện tại, NHCSXH huyện Ba Bể đã giải ngân cho 05 khách hàng tại các xã Hà Hiệu, Bành Trạch, Thượng Giáo và Cao Thượng vay 390 triệu đồng theo Quyết định 22. Các hộ gia đình được vay vốn đã mạnh dạn mở rộng sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt góp phần cải thiện cuộc sống, nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng.

Được biết, Quyết định số 22 quy định về chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, cơ sở kinh doanh có sử dụng người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn từ NHCSXH để đào tạo nghề và sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm; chính sách nhân văn giúp các đối tượng lầm lỡ có cơ hội làm lại cuộc đời. Theo đó từ ngày 10/10/2023 những người chấp hành xong án phạt tù hoặc cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng người lao động là người chấp hành xong án phạt tù được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi từ NHCSXH để phát triển sản xuất hoặc học nghề.

tin-dung-uu-dai-1080-x-1350-px-20241022-153959-0000-9562-8037.png

Mức vốn vay để đào tạo nghề tối đa là 04 triệu đồng/tháng/người chấp hành xong án phạt tù. Vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, mức vốn cho vay tối đa là 100 triệu đồng/người chấp hành xong án phạt tù. Với cơ sở sản xuất, kinh doanh thì mức vốn cho vay tối đa là 02 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động tại cơ sở sản xuất, kinh doanh.Việc vay vốn được thực hiện qua NHCSXH với lãi suất vay bằng lãi suất cho vay hộ nghèo theo từng thời kỳ.

Ông Hoàng Văn Thái, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Ba Bể cho biết: “Chương trình cho vay người chấp hành xong án phạt tù là một trong những chính sách quan trọng mang ý nghĩa nhân văn, giúp họ xóa bỏ mặc cảm, tái hòa nhập cộng đồng, tìm kiếm việc làm ổn định khi trở về địa phương. Những người được vay vốn đều đã chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, không vi phạm các tệ nạn xã hội, do công an cấp xã lập và được UBND cấp xã xác nhận. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp với công an các xã, thị trấn, chính quyền địa phương triển khai tốt chương trình, hướng dẫn hồ sơ thủ tục vay vốn theo quy định, tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù được tiếp cận nguồn vốn này”./.

Xem thêm