Nghiên cứu công ty và vị trí ứng tuyển
Không chỉ phỏng vấn trực tiếp mà khi phỏng vấn qua điện thoại, bạn cũng cần tìm hiểu trước về công ty và vị trí công việc mà mình đang ứng tuyển.
Đối với công ty tuyển dụng ở TPHCM, Vũng Tàu, Bình Dương hay bất kỳ nơi đâu, bạn nên nắm tổng quát về mục tiêu, sứ mệnh, lĩnh vực hoạt động, các dự án nổi bật và văn hóa doanh nghiệp. Các thông tin này phần lớn đều được công khai trên trang web hoặc mạng xã hội của công ty. Bên cạnh đó, bạn đừng quên xem xét cẩn thận về công việc để hiểu rõ về nhiệm vụ, yêu cầu và quyền lợi khi đảm nhận vị trí đó.
Dự đoán câu hỏi và chuẩn bị trước câu trả lời
Để không mất quá nhiều thời gian suy nghĩ cũng như tránh được sự lúng túng khi trao đổi với nhà tuyển dụng, bạn nên chuẩn bị trước câu trả lời cho một số câu hỏi phổ biến.
Bạn có thể tìm trên internet các bộ câu hỏi phỏng vấn, đặc biệt là các câu hỏi tình huống. Hãy viết câu trả lời trên giấy và luyện nói cho lưu loát với phong thái tự tin.
Kiểm tra kỹ lưỡng thiết bị trước khi phỏng vấn
Khác với phỏng vấn tại văn phòng, việc phỏng vấn qua điện thoại đòi hỏi bạn cần chuẩn bị nhiều thiết bị hơn như điện thoại, tai nghe, sạc dự phòng... Trước khi tham gia phỏng vấn, bạn nên kiểm tra kỹ lưỡng để xem các thiết bị này có đang hoạt động tốt hay không cũng như đảm bảo điện thoại đã được sạc đầy pin.
Bên cạnh đó, để cuộc trao đổi giữa hai bên không bị gián đoạn, tốt nhất bạn hãy cài đặt chế độ im lặng cho các thiết bị khác xung quanh.
Lựa chọn không gian yên tĩnh
Việc chọn một không gian yên tĩnh sẽ giúp bạn tránh tình trạng xao nhãng và tập trung hoàn toàn vào cuộc trò chuyện trên điện thoại với nhà tuyển dụng.
Lời khuyên cho bạn là nên nhận cuộc gọi phỏng vấn ở một góc yên tĩnh tại nhà và đóng cửa để không bị làm phiền, phòng tự học ở thư viện hay phòng làm việc riêng ở coworking space. Mặt khác, quán cà phê, nơi công cộng hoặc những nơi gần đường lớn, công trình đang thi công không phải là sự lựa chọn lý tưởng để phỏng vấn qua điện thoại.
Tập trung lắng nghe
Hãy rèn luyện cho mình kỹ năng lắng nghe để bạn không bỏ lỡ bất kỳ thông tin quan trọng và câu hỏi nào từ nhà tuyển dụng. Điều này không chỉ giúp bạn trả lời chính xác, đúng trọng tâm mà còn thể hiện sự tôn trọng đối với nhà tuyển dụng cũng như sự chuyên nghiệp của bản thân.
Ghi chú và đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng
Trong quá trình phỏng vấn, nếu bạn không có khả năng ghi nhớ quá tốt thì đừng quên chuẩn bị một cuốn sổ tay và bút để ghi chú lại những thông tin và câu hỏi mà nhà tuyển dụng đưa ra.
Ngoài việc trả lời nhà tuyển dụng, bạn hãy đặt thêm các câu hỏi cho họ để hiểu rõ hơn về công ty và vị trí ứng tuyển. Đây là cách để bạn thể hiện sự chủ động và nghiêm túc trong công việc.
Trả lời rõ ràng và ngắn gọn
Các câu trả lời đúng trọng tâm và ngắn gọn luôn làm hài lòng nhà tuyển dụng bởi họ dễ dàng nắm bắt được ý chính cũng như tránh mất nhiều thời gian. Vì vậy, bạn nên dùng ngôn từ mạch lạc, dễ hiểu nhất để trình bày ý kiến của mình.
Thể hiện thái độ nhiệt tình, tích cực
Mặc dù không thể nhìn thấy trực tiếp biểu cảm gương mặt nhưng nhà tuyển dụng hoàn toàn có thể cảm nhận được năng lượng, thái độ của bạn thông qua giọng điệu và cách nói chuyện.
Do đó, hãy thể hiện sự tự tin, vui vẻ và hứng khởi của mình trong suốt quá trình phỏng vấn để chứng tỏ rằng bạn là một ứng viên năng động và nhiệt huyết.
Không để thời gian chết quá lâu
Buổi phỏng vấn sẽ trở nên căng thẳng và áp lực hơn nếu bạn im lặng quá lâu. Trong trường hợp bạn gặp câu hỏi khó thì bạn có thể xin phép nhà tuyển dụng một khoảng thời gian ngắn để suy nghĩ. Điều này vừa giúp bạn có câu trả lời chắc chắn hơn, vừa thể hiện sự chuyên nghiệp trong giao tiếp của mình.
Việc áp dụng những mẹo trên sẽ giúp bạn tự tin trả lời phỏng vấn qua điện thoại. Dù là hình thức phỏng vấn nào thì sự chuẩn bị kỹ lưỡng và chỉn chu của bạn cũng đều nhận được đánh giá tích cực từ phía nhà tuyển dụng. Vì vậy, hãy đầu tư thời gian và công sức cho buổi trao đổi công việc này cùng với một tinh thần tích cực để gia tăng khả năng trúng tuyển./.