Giảm nghèo bền vững

Bắc Kạn cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng cho trẻ

0:00 / 0:00
0:00

BBK - Những năm qua, ngành Y tế Bắc Kạn phối hợp với các cấp, ngành triển khai nhiều giải pháp góp phần cải thiện tình trạng tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em, nhất là tại vùng sâu, vùng xa.

3.jpg
Thực hành dinh dưỡng tại Trạm Y tế xã Dương Phong (Bạch Thông).

Tham gia mô hình chăm sóc dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời, chị Đặng Thị Đồi, mẹ cháu Đ.A.T, 13 tháng tuổi, ở thôn Quăn, xã Nguyên Phúc (Bạch Thông) chia sẻ: Khi mang thai, tôi đã đến Trạm Y tế xã để bác sĩ tư vấn khám thai, bổ sung dinh dưỡng cần thiết. Sau khi sinh bé, tôi tiếp tục cho bé tiêm chủng đầy đủ và uống Vitamin A mỗi năm 2 lần. Tham gia chương trình phòng chống suy dinh dưỡng rất tốt cho trẻ, tôi mong chương trình tiếp tục kéo dài để con tôi được tham gia bổ sung các chất dinh dưỡng theo hướng dẫn của cán bộ y tế.

1-4100.jpg
Mẹ con chị Đặng Thị Đồi nghe tư vấn bổ sung dinh dưỡng cho trẻ tại Trạm Y tế xã Nguyên Phúc.

Y sĩ Nguyễn Thị Hương, Phụ trách Trạm Y tế xã Nguyên Phúc (Bạch Thông) chia sẻ: Hiện Trạm Y tế xã đang duy trì 02 mô hình chăm sóc dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời. Trạm lồng ghép tuyên truyền cho các bà mẹ thông qua các buổi tiêm ngừa hằng tháng và người dân đến trạm khám bệnh. Qua triển khai, nhận thức của người dân về phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ đã thay đổi tích cực. Hiện tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng về cân nặng còn trên 11%, thấp còi trên 16%.

Cùng với nuôi con bằng sữa mẹ và ăn bổ sung hợp lý, mô hình chăm sóc dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời đã đang được triển khai tại các xã trên địa bàn huyện Bạch Thông. Năm 2023, toàn huyện có 2.158 trẻ dưới 5 tuổi; trong đó 100% trẻ từ 6-60 tháng tuổi được uống Vitamin A liều cao; 100% trẻ dưới 2 tuổi được theo dõi cân nặng và được chấm biểu đồ tăng trưởng 3 tháng/lần; 100% trẻ dưới 2 tuổi bị suy dinh dưỡng được cân 01 tháng/lần... Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ dưới 5 tuổi trên địa bàn xuống còn 10,3%, thể thấp còi còn 14,5%.

Bác sĩ Hoàng Thị Hiên, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bạch Thông cho biết: “Trong năm 2023 và 3 tháng đầu năm 2024 chúng tôi triển khai chiến dịch cân, đo trẻ toàn huyện, lồng ghép chương trình bổ sung vi chất dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và cho trẻ. Nhìn chung chương trình dinh dưỡng, uống Vitamin A... của huyện đạt kế hoạch đề ra”...

Thời gian qua, hoạt động dinh dưỡng được triển khai sâu rộng từ tỉnh xuống đến tận các xã, phường, thị trấn. Mạng lưới chuyên trách và cộng tác viên dinh dưỡng đã huy động được sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội và cộng đồng… Theo đó, năm 2023 tỷ lệ trẻ sơ sinh được theo dõi cân nặng đạt 100%. Các hoạt động truyền thông về dinh dưỡng hợp lý cho bà mẹ, trẻ em được đẩy mạnh, trẻ em dưới 5 tuổi được cân, đo, theo dõi tăng trưởng; kịp thời phát hiện các trường hợp sút cân, không tăng cân, suy dinh dưỡng cấp tính, từ đó đưa ra hướng xử lý kịp thời; lồng ghép uống bổ sung vitamin A và tẩy giun, hỗ trợ viên đa vi chất cho trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng.

Nhờ đó, trong năm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể gầy còm giảm xuống còn 5,4%, thể nhẹ cân là 15,2%, thể thấp còi là 24,9%. Triển khai mô hình chăm sóc dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời, tổ chức được 38 mô hình, đạt 57,6%; tỷ lệ phụ nữ có thai tại các xã khu vực III được cấp phát sản phẩm dinh dưỡng đạt 55%; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng trên 6 đến 23 tháng tuổi tại các xã khu vực III và các trường hợp khẩn cấp, mất mùa, thiên tai, dịch bệnh ngoài xã khu vực III được cấp sản phẩm dinh dưỡng đạt 100%. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng cấp ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi được hỗ trợ tăng cường dinh dưỡng đạt 66,6%; tỷ lệ trẻ em được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đạt 49,1%; tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi được cân, đo đạt 99,6%.

Thầy thuốc Ưu tú, BSCKII, Nguyễn Tiến Tôn, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh định hướng: Trong thời gian tới, Trung tâm tiếp tục chỉ đạo Khoa Dinh dưỡng, Khoa triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng kế hoạch triển khai đến các huyện và các xã trong tỉnh. Tiếp tục giám sát các hoạt động tại các trạm y tế về chế độ dinh dưỡng của trẻ; theo dõi, chăm sóc các bữa ăn hằng ngày, để bảo đảm chế độ dinh dưỡng cho trẻ phát triển bình thường, phát triển toàn diện cho trẻ kể cả thể lực và trí tuệ./.

Xem thêm