Bạch Thông là huyện có diện tích trồng quýt lớn nhất tỉnh Bắc Kạn tập trung ở ba xã Quang Thuận, Đôn Phong, Dương Phong. Theo Phòng NN&PTNT huyện Bạch Thông, năm 2023 toàn huyện có 1.271,24ha quýt, năng suất đạt 116,5 tạ/ha, sản lượng đạt 14.003,3 tấn. Năm 2024, toàn huyện có 252,97ha cam và 1.130,1 ha quýt. Cam, quýt đã trở thành cây xóa đói giảm nghèo và làm giàu hiệu quả cho bà con nơi đây.
Chị Thuận- một tư thương chuyên thu mua quýt trên địa bàn xã Dương Phong chia sẻ: Tôi thu mua quýt về giao cho các chợ đầu mối tại tỉnh Thái Nguyên. Đây là chuyến thứ 5 trong năm nay. Mỗi chuyến tôi thu từ 4 – 5 tấn quýt. Quýt Bắc Kạn được mọi người ưa chuộng bởi mùi thơm đặc trưng, không nhiều ngọt. Khoảng giữa tháng 11 mới là thời điểm chính vụ, quýt sẽ chín rộ và ngọt hơn nên dự tính trong những ngày tiếp theo, tôi thu mua nhiều hơn.
"Tôi biết, đồi quýt nhà ai trồng nhiều, trồng ít, đồi nào quả đẹp, quả to, quả ngọt... Chúng tôi còn không phân biệt đâu là người mua đâu là người bán mà chia sẻ cho nhau cách thu hái quýt sao cho nhanh, không bị dập, bảo quản được lâu và đẹp mã, để bán được giá nhất, cũng là để giữ mối năm sau. Người dân vùng này, chăm sóc quýt rất kỹ, quả mã càng đẹp, càng to giá càng cao, trồng ít nhưng chất lượng tốt vẫn bán được giá cao. Bà con bây giờ đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào thâm canh, nâng cao giá trị kinh tế trên cùng một diện tích canh tác", chị Thuận bày tỏ.
Hộ gia đình ông Bùi Xuân Liêm tại thôn Bản Chàn, xã Dương Phong là một trong những hộ có nhiều diện tích quýt nhất vùng. Với 30ha đất trồng cam, quýt mỗi năm gia đình ông thu từ 20-30 tấn. Cây cam, quýt đã trở thành cây giúp gia đình ông làm giàu. Với giá bán bình quân 8.000 đồng/kg, mỗi năm ông thu về hàng trăm triệu đồng.
Anh Nguyễn Văn Luyến cho biết: “Tôi thu mua quýt ở Bắc Kạn từ hơn 20 năm nay, mỗi ngày mua vào khoảng 30 – 40 tấn. Đây là chuyến hàng thứ 8 trong tháng 10 này. Toàn bộ quýt được bán giao lại cho các tiểu thương ở các chợ tại tỉnh Lạng Sơn".
Quýt Bắc Kạn có lẽ được người Lạng Sơn tiêu thụ nhiều ngang với Bắc Kạn, trung bình 10-30 tấn/ngày, mỗi ngày tôi phải thuê thêm ba lao động địa phương để đóng quýt vào thùng xốp, anh Nguyễn Văn Luyến thông tin.
Quýt năm nay được giá hơn so với mọi năm, giá trung bình từ 8.000-8.500 đồng/kg, tùy theo từng loại. Loại quả quýt bi (nhỏ) giá từ 4.000 -5.000 đồng/kg, loại đại (to) từ 10.000 -12.000 đồng/kg. Đây là một tín hiệu tích cực với bà con nông dân, so với những năm trước thì năm nay quýt có giá tốt nhất.
Tuy nhiên, vùng trồng quýt tại huyện Bạch Thông đang gặp nhiều khó khăn như: Diện tích đất sản xuất nông nghiệp giảm dần qua các năm do chuyển đổi để sử dụng vào mục đích khác; do không còn quỹ đất nên khó khăn trong việc mở rộng diện tích trồng mới hoặc trồng thay thế; một số diện tích trước đây người dân trồng cây quýt nay đã được chuyển sang trồng cây lâm nghiệp; mặt khác lực lượng lao động trong nông nghiệp khu vực nông thôn bị thiếu hụt, có xu thế chuyển đổi sang dịch vụ, phi nông nghiệp, nhất là nguồn lao động trẻ dẫn đến diện tích quýt giảm dần qua các năm.
Giá vật tư nông nghiệp tăng, dẫn đến chi phí sản xuất đội lên ảnh hưởng đến thu nhập, của người sản xuất. Việc “liên kết 4 nhà” trong đầu tư, bao tiêu sản phẩm nông sản chưa tạo được quy trình khép kín, gây khó khăn cho người dân.
Đứng trước tình hình đó, huyện Bạch Thông đã tuyên truyền, phối hợp với các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội từ huyện đến cơ sở thực hiện sản xuất hàng hóa theo hướng chuyên canh, tập trung thành vùng theo quy hoạch, sản xuất trên cơ sở nhu cầu thị trường gắn với tiêu thụ sản phẩm. Tiếp tục chỉ đạo đầu tư chăm sóc, duy trì và phát triển. Nâng cao năng suất, chất lượng, cải thiện về mẫu mã, chất lượng quả, sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm, thông qua các hoạt động như tham gia các hội chợ triển lãm, kết nối cung cầu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kỹ năng tham gia các chuỗi giá trị...
Hy vọng với trong thời gian tới, sản phẩm quýt của huyện Bạch Thông ngày càng khẳng định được chất lượng và thương hiệu. Không chỉ dừng lại ở các sản phẩm thô mà còn có thể chế biến, xuất khẩu ra thị trường quốc tế, trở thành thức quà đặc sản của tỉnh Bắc Kạn./.