Bắc Kạn: Thiếu sân chơi cho trẻ

Hiện nay, số lượng trẻ em chiếm 25,5% dân số toàn tỉnh (trên 80.000 trẻ). Nhu cầu về nơi vui chơi, giải trí, sinh hoạt tập thể của các em, nhất là trong dịp hè là rất lớn. Tuy nhiên, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn còn thiếu điểm vui chơi, giải trí, địa điểm mà trẻ có thể tham gia các hoạt động nâng cao thể lực và trí tuệ.  

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh chỉ có 02 điểm vui chơi dành cho trẻ là Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh và khuôn viên vườn hoa của thị trấn Yến Lạc huyện Na Rì, trong khi đó nhu cầu của các huyện, thành phố cần có ít nhất 16 điểm vui chơi (bao gồm cả thiết bị và công trình).

Mặc dù được đầu tư, nhưng khu vực vui chơi của Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh đã xuống cấp, nhiều thiết bị như cầu trượt, nhà bóng, xích đu, bập bênh… đã hỏng. Nhiều trẻ đến đây vẫn cố nhảy lên chơi, dù biết rằng các thiết bị này không thể hoạt động được. Công trình bể bơi mới được đầu tư nhưng trẻ em muốn vào bơi đều phải mua vé. Một số ít trẻ gia đình có điều kiện được phụ huynh cho tham gia các lớp năng khiếu do Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi hoặc trung tâm khác tổ chức, số còn lại chủ yếu tự chơi ở nhà .

Cần đầu tư nhiều hơn các khu vui chơi, luyện tập thể thao cho trẻ em như bể bơi, sân bóng đá…
Cần đầu tư nhiều hơn các khu vui chơi, luyện tập thể thao cho trẻ như bể bơi, sân bóng đá…

Minh Châu, học sinh lớp 4 của một trường tiểu học trên địa bàn thành phố Bắc Kạn tâm sự: “Con rất thích nghỉ hè, nhưng ngoài ra thư viện mượn sách về đọc là miễn phí, chỗ nào có nhiều trò hấp dẫn thì đều phải mua vé. Muốn học bơi, vẽ, đàn organ, đàn ghita ít nhất cũng phải chi phí 40.000 - 50.000 đồng/buổi. Hoàn cảnh gia đình bố mẹ còn vất vả nên con không dám xin. Ở trong nhà nhiều cũng thấy bí bức, chiều con thường đạp xe vài vòng quanh thành phố hoặc sang bên kia sông thả diều. Ở tổ phố có tổ chức sinh hoạt hè nhưng các hoạt động vẫn chưa phong phú, dễ nhàm chán. Con ước thành phố Bắc Kạn có công viên, cây xanh, ghế đá để con và các bạn được chạy nhảy, vui chơi thoả thích, có các câu lạc bộ sinh hoạt dạy hát, dạy nhảy miễn phí, tổ chức các cuộc thi như Tiếng hát hoa phượng đỏ, nhảy Aerobic như các bạn nhỏ ở các thành phố khác…”.

Giống như mong ước của các bạn nhỏ ở thành phố Bắc Kạn, em Ma Thị Nhung ở Pác Nặm cũng rất thích quê mình có khu vui chơi như một số nơi khác mà em được xem trên truyền hình. Ngày hè của Nhung và các bạn trong thôn chủ yếu quanh quẩn ở nhà giúp bố mẹ nấu cơm, chăn gà, vịt, xem tivi, thỉnh thoảng đi tắm sông. Ngày hè đối với em thật buồn tẻ, mong được sớm đi học, vui chơi cùng bạn hơn là ở nhà”.

Sân chơi không chỉ là khuôn viên, điểm vui chơi cho trẻ chạy nhảy, chơi đùa mà cần nhiều yếu tố nhằm phát triển văn hóa, tinh thần cho trẻ thông qua hoạt động vui chơi, giải trí. Đó là sân chơi ngoài trời, sân chơi trong nhà, thư viện, câu lạc bộ, rạp chiếu phim, sân bóng đá dành cho trẻ em. Những hạng mục này hầu như đang rất thiếu ở Bắc Kạn.

Tình trạng thiếu sân chơi, địa điểm vui chơi dành cho trẻ em ở nhiều tỉnh nói chung và Bắc Kạn nói riêng có nguyên nhân chủ yếu từ hạn chế trong công tác quy hoạch; thiếu quỹ đất để xây dựng các sân chơi công cộng; kinh phí đầu tư cho các công trình vui chơi giải trí dành cho trẻ em còn ít so với nhu cầu.

Một trong những hệ lụy khó lường từ việc không có sân chơi, thiếu những hoạt động phù hợp cho lứa tuổi của mình đó là trẻ em có xu hướng thụ động hơn khi ngồi lì ở nhà xem tivi, chơi game trên mạng... Thậm chí có nhiều em còn nghiện game online, ảnh hưởng đến sức khỏe, trí tuệ và năng lực giao tiếp. Các em nhỏ ở nông thôn chỉ biết tìm niềm vui bằng cách tự do bơi lội ở sông, suối. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng trẻ đuối nước, tai nạn thương tích gia tăng mỗi dịp hè về. Theo số liệu thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong 06 tháng đầu năm 2022 toàn tỉnh có 85 trường hợp trẻ em bị tai nạn thương tích.

Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu vui chơi giải trí của trẻ em ngày càng cao. Cần giải quyết thực trạng thiếu sân chơi cho trẻ em, cũng như góp phần giảm thiểu tối đa tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích hoặc tử vong do tại nạn thương tích. Ông Đồng Phúc Hình- Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đưa ra các biện pháp như:

Thứ nhất: các đơn vị, địa phương cần tiếp tục thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ban, ngành, UBND tỉnh về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, phối hợp liên ngành trong việc chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em, đặc biệt là các loại thương tích thường gặp ở trẻ em như đuối nước, tai nạn giao thông, ngã...

Thứ hai: Tiếp tục đẩy mạnh và triển khai có hiệu quả mô hình “Ngôi nhà an toàn, phòng chống tai nạn thương tích ở trẻ em”; kế hoạch xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em; lồng ghép việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em trong Chương trình hành động vì trẻ em của địa phương, đơn vị giai đoạn 2021 – 2030 và hằng năm.

Thứ ba: Tăng cường công tác truyền thông, tư vấn, hướng dẫn nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng về phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em.

Thứ tư: Vận động nguồn lực xã hội hóa từ các tổ chức, doanh nghiệp, người dân tham gia đóng góp đầu tư xây dựng mới các điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em và duy trì hoạt động thường xuyên của các điểm vui chơi cho trẻ em.

Thứ năm: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về thực hiện quyền trẻ em nói chung và quyền vui chơi, giải trí cho trẻ em nói riêng (trong đó có nội dung bố trí xây dựng các điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em). Can thiệp, phòng ngừa kịp thời các nguy cơ gây tai nạn thương tích cho trẻ em.

Chương trình hành động vì trẻ em tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2021 – 2030 đề ra chỉ tiêu phấn đấu 40% các xã, phường, thị trấn có điểm văn hóa, vui chơi dành cho trẻ em vào năm 2025 và 45% vào năm 2030. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác trẻ em năm 2022 mà UBND tỉnh đề ra đó là ưu tiên bố trí quỹ đất, đầu tư xây dựng điểm vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, thể thao cho trẻ em. Vì vậy cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đặc biệt quan tâm đến việc bố trí nguồn lực, quy hoạch và thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng các khu vui chơi, giải trí cho trẻ em. Đây là nhiệm vụ quan trọng  đảm bảo các quyền lợi cơ bản của trẻ em, đó là quyền vui chơi giải trí đáp ứng với nhu cầu đời sống tinh thần, nâng cao thể lực và trí tuệ cho thế hệ tương lai của đất nước./.

Phương Thảo

Xem thêm