BBK - Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, đồng bào các dân tộc, tôn giáo trên đất nước Việt Nam luôn luôn đoàn kết, chung tay đấu tranh với “thiên tai, địch họa”, xây dựng Tổ quốc ngày càng giàu mạnh. Thời gian tới, trước những thời cơ và thách thức mới, khối đại đoàn kết toàn dân tộc lại càng phải được tăng cường. Muốn vậy, cần phải tiếp tục hoàn thiện chính sách dân tộc và tôn giáo.
Đồng chí Vũ Văn Yên, Phó Giám đốc Sở Nội vụ đến thăm và chúc mừng giáng sinh tại Hội Thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) thôn Đồng Luông, xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới. Ảnh: Thái Thị Thu Vân |
Trong quá trình lãnh đạo, Đảng ta luôn nhất quán quan điểm dân tộc và tôn giáo là vấn đề chiến lược có tầm quan trọng đặc biệt. Ngay từ khi mới ra đời, Đảng ta đã xây dựng nguyên tắc của chính sách dân tộc ở Việt Nam là: Bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc. Những nguyên tắc này được quán triệt và thực hiện nhất quán, có hiệu quả trong mọi thời kỳ cách mạng.
Chủ nghĩa Mác - Lê nin về tôn giáo và quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về tôn giáo đều khẳng định tôn giáo vẫn tồn tại lâu dài trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, vẫn là nhu cầu tinh thần của một bộ phận quần chúng nhân dân.
Chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân tộc, công tác tôn giáo từ thời kỳ đổi mới đất nước (năm 1986) đến nay được thể hiện thông qua văn kiện các kỳ đại hội và các chỉ thị, nghị quyết chuyên đề của Đảng, được ban hành cụ thể trong từng nhiệm kỳ, từng giai đoạn. Các chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân tộc, tôn giáo được thể chế hóa trong nhiều bộ luật, luật, pháp lệnh, nghị định, nghị quyết, quyết định, chỉ thị, thông tư... của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Bắc Kạn là tỉnh miền núi với 35 dân tộc anh em sinh sống, 03 tôn giáo với 11.693 tín đồ, đời sống của Nhân dân còn nhiều khó khăn nên công tác dân tộc, tôn giáo luôn được sự quan tâm đặc biệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các sở, ban, ngành.
Trước đây trong văn kiện Đại hội X, XI, XII, Đảng ta đã nói “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo” thì trong Văn kiện Đại hội XIII (năm 2021), Đảng ta khẳng định: “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước”. Nguồn lực ở đây bao gồm nguồn lực vật chất và nguồn lực tinh thần.
Nguồn lực tinh thần của các tôn giáo chính là các giá trị đạo đức, văn hóa của các tôn giáo và nguồn lực vật chất của tôn giáo chính là nguồn lực vật chất của các tín đồ, chức sắc tôn giáo được thể hiện trong hoạt động của họ. Nguồn lực vật chất của các tôn giáo thể hiện ở việc các tín đồ và chức sắc tôn giáo thực hiện tốt các đường lối, chính sách, pháp luật, các phong trào hoạt động của Đảng và Nhà nước, góp phần thúc đẩy đất nước phát triển. Đường lối, chính sách, pháp luật, các phong trào hoạt động mà Đảng và Nhà nước ta đưa ra là để thực hiện các mục tiêu của cách mạng, góp phần phát triển đất nước.
Để đẩy mạnh phát triển bền vững toàn diện vùng đồng bào DTTS, văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, nêu rõ: “Đảm bảo các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Huy động phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo sự chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hoá, xã hội ở vùng có đông đồng bào DTTS. Chú trọng tính đặc thù của từng vùng đồng bào DTTS trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc”.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước, thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị, nhất là đối với cấp ủy, đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp về vị trí, nhiệm vụ công tác dân tộc, công tác tôn giáo trong tình hình mới.
Đồng chí Y Thông, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc: Vấn đề dân tộc và tôn giáo, tín ngưỡng luôn song hành, không thể tách rời. Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với hàng loạt các nguồn lực chính sách thiết thực, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số nước ta ngày càng ổn định, phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, việc thực hiện các chính sách dân tộc cũng như tôn giáo, tín ngưỡng vẫn còn một số những tồn tại, hạn chế. Những hạn chế, tồn tại đó, đặt ra trách nhiệm đối với những người làm công tác tham mưu cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực công tác dân tộc và tôn giáo.
Từng bước hoàn thiện các văn bản pháp luật về vấn đề dân tộc, công tác dân tộc; đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc từ Trung ương đến địa phương. Đào tạo, bố trí, sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác dân tộc ở các cấp. Trong đó làm tốt công tác quy hoạch và đào tạo cán bộ theo từng vùng, từng dân tộc cụ thể; có chính sách thỏa đáng đối với cán bộ công tác ở vùng dân tộc miền núi đặc biệt khó khăn; xây dựng chính sách ưu đãi với những người có uy tín trong đồng bào DTTS. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ từ cấp thôn có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức và năng lực tổ chức, hướng dẫn Nhân dân thực hiện tốt các chính sách, pháp luật Nhà nước trên địa bàn.
Các ngành, các cấp cần rà soát, kịp thời bổ sung những chính sách đầu tư sát hợp đối với vùng đồng bào DTTS, đồng bào các tôn giáo; tổ chức thực hiện đồng bộ, chặt chẽ từ Trung ương đến cơ sở, đảm bảo các loại vốn đầu tư thực sự có hiệu quả, tạo điều kiện để đồng bào phấn đấu vươn lên thoát nghèo một cách bền vững, hòa nhập với tiến trình đi lên của đất nước.
Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc; chủ động phát hiện, ngăn chặn có hiệu quả mọi âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để phá hoại sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của Nhân dân ta.
Làm tốt công tác vận động quần chúng, tranh thủ đội ngũ già làng, chức sắc, chức việc, đội ngũ cốt cán vùng đồng bào DTTS, vùng có đông đồng bào theo đạo. Kiên quyết đấu tranh với các hành vi lợi dụng vấn đề dân tộc, vấn đề tôn giáo để chống phá cách mạng, vi phạm chính sách, pháp luật Nhà nước.
Tăng cường công tác tuyên truyền đối ngoại về dân tộc, tôn giáo, giúp cho cộng đồng thế giới hiểu rõ chính sách dân tộc, chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta và thực tế tình hình cuộc sống lao động, sản xuất, sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam.
Riêng với Bắc Kạn, các cơ quan chức năng của tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và các chương trình, chính sách dân tộc trong những năm tiếp theo. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở.
Thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc để thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo, kịp thời phát hiện những tồn tại, giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền và triển khai thực hiện Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi và vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021 - 2030 và các chương trình, chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo trên địa bàn tỉnh./. (Hết)
Phú Thọ - Hồng Hạnh