Đã thành thông lệ, ngay từ những ngày đầu kỳ nghỉ hè, Đoàn xã Vi Hương (Bạch Thông) đã lên kế hoạch, tìm địa điểm thích hợp làm bãi tắm để chuẩn bị mở lớp học bơi miễn phí cho các em nhỏ.
Bãi tắm được Đoàn xã Vi Hương khảo sát lựa chọn là khu vực đảm bảo nước sạch, có cây cao che mát, thoáng đãng, sau đó đoàn viên, phụ huynh cùng dọn dẹp, vệ sinh sạch sẽ khu vực tập bơi dành cho các cháu. Đoàn viên mỗi người có một công việc riêng, nên phải tranh thủ bố trí thời gian thay phiên nhau. Dù không có thù lao, kinh phí, nhưng sự háo hức, nhiệt tình và lượng học viên tham gia ngày một đông cũng chính là động lực để các bạn cố gắng hơn.
Tại bãi tắm, ĐVTN vận chuyển đá ngăn dòng tạo thành một bể bơi “0 đồng” với độ sâu vừa phải. Tại đây, ĐVTN phối hợp cùng Công an xã trực tiếp hướng dẫn các em những kỹ năng phòng, chống tai nạn đuối nước; kỹ năng bơi cơ bản để phòng ngừa đuối nước; cách nhận biết vùng nước nguy hiểm; cách cứu người đuối nước; các kỹ năng sơ cứu đuối nước. Dù chỉ là bể bơi “dã chiến”, nhưng lớp học diễn ra trong sự háo hức, ngập tràn nụ cười của thầy và trò. Để đảm bảo an toàn cho các em trong quá trình học, Đoàn xã đã trích quỹ hoạt động Đoàn mua áo phao cho trẻ sử dụng.
Còn tại xã Cao Tân (Pác Nặm), những ngày hè này, tiếng hướng dẫn thực hiện các thao tác bơi lội, tiếng nói cười trẻ nhỏ xen lẫn tiếng quẫy nước của lớp dạy bơi miễn phí do Đoàn xã Cao Tân tổ chức rộn vang khu vực suối Tả Hang, Nà Quạng. Đó là bãi tắm an toàn với một bể bơi dã chiến giữa dòng suối xanh trong.
Anh Vi Văn Huần, Bí thư Đoàn xã Cao Tân cho biết, đây là năm đầu tiên Đoàn xã triển khai mô hình ngăn suối dạy bơi, nhằm trang bị kỹ năng phòng chống đuối nước, tạo sân chơi, tăng cường sức khỏe cho trẻ trong những ngày hè. “Cao Tân là xã vùng cao, thuần nông còn nhiều khó khăn của huyện Pác Nặm, với hơn 50% dân số là đồng bào dân tộc Mông. Khắc phục hạn chế thiếu bể bơi theo tiêu chuẩn, chúng tôi đã khảo sát, làm bể bơi từ những vật liệu có sẵn, dễ kiếm như tre nứa. Thách thức lớn nhất là tìm được đoạn suối ưng ý, có độ sâu vừa đủ và đáy không có đá sắc nhọn", anh Huần chia sẻ.
Các buổi học đều đặn diễn ra từ 16h30. Trước mỗi buổi học, anh chị Đoàn xã luôn đến sớm, kiểm tra từng mối nối giữa các thành bể... đảm bảo an toàn cho trẻ. Đồng thời, đón trẻ và điểm danh theo danh sách đã đăng ký.
Tại đây, các em được học lý thuyết, tập làm quen với động tác khởi động, tập luyện kỹ thuật trên cạn, rồi dưới nước; làm quen với việc sơ cấp cứu đuối nước... Trong mỗi buổi học, thầy cô giáo là thành viên trong Ban chấp hành Đoàn xã xuống nước để hỗ trợ, đảm bảo an toàn cho trẻ.
Lên các bản vùng cao giữa trưa hè, không khó để bắt gặp từng tốp thiếu nhi vừa thả trâu, vừa ngụp lặn, nô đùa bên những dòng suối chảy xiết hay những hồ nước sâu. Sự hiếu động của các em trong khi lại thiếu những kỹ năng cần thiết là nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn đuối nước thương tâm xảy ra tại Bắc Kạn trong vài năm qua. Vì vậy, những mô hình bãi tắm an toàn là cách sinh hoạt hè sáng tạo, thiết thực, giúp các em trang bị thêm kiến thức an toàn cho bản thân.
Chị Hoàng Hải Hà, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Mô hình bãi tắm an toàn, bể bơi dã chiến đã tận dụng điều kiện tự nhiên tại địa phương để tổ chức các lớp dạy bơi miễn phí cho thiếu nhi của các cơ sở Đoàn, nhằm giúp các em thiếu nhi tăng cường trang bị các kỹ năng phòng chống đuối nước, nâng cao sức khỏe và quan trọng nhất là tạo sân chơi bổ ích cho các em trong dịp hè. Qua mô hình, cũng thể hiện tính sáng tạo, xung kích tình nguyện cũng như vai trò bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu nhi của tổ chức Đoàn”.
Không có điều kiện xây dựng những bãi tắm, bể bơi đủ tiêu chuẩn, việc linh động tạo ra các bãi tắm an toàn ngay ven sông, suối của các cơ sở Đoàn là cách làm sáng tạo, thiết thực. Qua đó, giúp các em thiếu nhi có những ngày hè lý thú, bổ ích và góp phần trang bị cho các em những kỹ năng cơ bản để có thể hạn chế tai nạn rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra./.