Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và phong trào "Dân vận khéo" triển khai nhiệm vụ năm 2024

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Chiều 25/12, Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở và phong trào "Dân vận khéo" tỉnh Bắc Kạn tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Các đồng chí: Phương Thị Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo; Ma Từ Đông Điền, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo đồng chủ trì.

Quang cảnh Hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị.

Theo báo cáo, việc thực hiện QCDC ở cơ sở, phong trào "Dân vận khéo" trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực. Các cấp, các ngành chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, triển khai thực hiện QCDC, phong trào "Dân vận khéo" ở các loại hình, lĩnh vực. Qua đó, phương thức hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước tiếp tục được đổi mới theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch, tiếp thu ý kiến đóng góp của Nhân dân; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số… tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường nắm bắt thông tin, phản ánh tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của Nhân dân bằng nhiều hình thức đã tạo không khí dân chủ, đồng thuận trong Nhân dân; góp phần xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh ngày càng trong sạch, vững mạnh, khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường, góp phần quan trọng hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; quốc phòng - an ninh được giữ vững, đời sống Nhân dân ngày càng được nâng cao.

Đồng chí Phạm Duy Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thảo luận tại Hội nghị.

Đồng chí Phạm Duy Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thảo luận tại Hội nghị.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện QCDC ở cơ sở và phong trào "Dân vận khéo" vẫn còn một số hạn chế như: Công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện QCDC cơ sở ở một số cơ quan, đơn vị còn chậm do chờ hướng dẫn của các cơ quan Trung ương về triển khai Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Số lượng đăng ký xây dựng mô hình Dân vận khéo chưa đồng đều giữa các lĩnh vực, chưa có trọng tâm, trọng điểm tập trung vào những công việc khó, việc đoàn viên, hội viên và Nhân dân quan tâm; một số cơ sở đăng ký mô hình nhưng cuối năm không có báo cáo kết quả thực hiện hoặc thực hiện còn mang tính hình thức, một số đơn vị nhận thức về phong trào chưa sâu, do vậy việc triển khai, đăng ký, tổ chức thực hiện chưa thực sự hiệu quả…

Ban Chỉ đạo đã xây dựng phương hướng nhiệm vụ thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh năm 2024 với 8 nội dung chính nhằm tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai và thực hiện QCDC ở cơ sở, mở rộng, phát huy dân chủ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân về dân chủ, thực hành dân chủ, gắn với việc thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, các chỉ thị, nghị quyết về công tác dân vận, phong trào “Dân vận khéo”… Qua đó, nâng cao tính hiệu quả, chuyên nghiệp, dân chủ, công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý, điều hành, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Lê Văn Hội, Giám đốc Sở Nội vụ phát biểu thảo luận.

Đồng chí Lê Văn Hội, Giám đốc Sở Nội vụ phát biểu thảo luận.

Kế hoạch thực hiện phong trào “Dân vận khéo” năm 2024 đề ra một số yêu cầu như: Các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện phong trào “Dân vận khéo” ở địa phương, đơn vị phù hợp với tình hình thực tiễn và việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, các nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh. Định hướng, gợi ý các nội dung cần tập trung thực hiện “Dân vận khéo” (về tiềm năng, lợi thế, kết quả đạt được cần duy trì; những hạn chế, khó khăn cần tập trung khắc phục, vận động thực hiện...) để các đơn vị trực thuộc đăng ký thực hiện. Chỉ đạo các chi, đảng bộ trực thuộc tăng cường hướng dẫn các tập thể, cá nhân trong lựa chọn, xác định “tên mô hình” ngay từ khi đăng ký; tập thể, cá nhân báo cáo kết quả thực hiện phải đánh giá được hiệu quả của mô hình…

Các đại biểu đã tập trung thảo luận một số nội dung như: Việc triển khai hiệu quả Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; nâng cao chất lượng phong trào Dân vận khéo để đi vào nền nếp bằng cách lọc ra vài chuyên đề, mô hình tốt để hướng dẫn, triển khai nhân rộng…

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Phương Thị Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị Ban Chỉ đạo phổ biến sâu rộng Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và Nghị định số 59/2023/NĐ-CP ngày 14/8/2023 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở để mọi người biết và thực hiện. Các đơn vị, địa phương thực thi dân chủ ở cơ sở đúng thực chất, tránh hình thức, tạo sự đồng thuận trong tổ chức thực hiện; thực hiện quy chế dân chủ gắn với kỷ cương, tự phê bình và phê bình; thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Đồng chí Phương Thị Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phát biểu tại Hội nghị.

Đồng chí Phương Thị Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phát biểu tại Hội nghị.

Điểm nghẽn của Bắc Kạn trong thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 là công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các công trình, dự án gặp nhiều khó khăn. Do đó, trong thời gian tới phải thực hiện tốt công tác “dân vận khéo” để tạo sự đồng thuận của Nhân dân trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện; đổi mới công tác lựa chọn mô hình, biểu dương, khen thưởng, tạo sự lan tỏa trong xã hội.../.

Xem thêm