Băn khoăn của các hợp tác xã về Dự án chăn nuôi bò Mông

Được UBND tỉnh Bắc Kạn chấp thuận chủ trương đầu tư, Dự án chăn nuôi bò Mông tại xã Quảng Chu (Chợ Mới) do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý, giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển bò Mông Việt Nam thực hiện từ tháng 4/2017. Hiện nay đã có 10 HTX hạt nhân được thành lập để tham gia chăn nuôi bò cho dự án.

Được UBND tỉnh Bắc Kạn chấp thuận chủ trương đầu tư, Dự án chăn nuôi bò Mông tại xã Quảng Chu (Chợ Mới) do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý, giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển bò Mông Việt Nam thực hiện từ tháng 4/2017. Hiện nay đã có 10 HTX hạt nhân được thành lập để tham gia chăn nuôi bò cho dự án.


Sau hơn một năm có Quyết định chủ trương đầu tư của tỉnh Bắc Kạn, dự án đã được giao 2,9ha đất. Theo đó, giai đoạn 1 Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển bò Mông Việt Nam sẽ xây dựng trung tâm điều hành và dự kiến nuôi 300 con bò cái sinh sản, 15 con bò đực hạt nhân còn lại là diện tích trồng cỏ phục vụ nhu cầu chăn nuôi. Giai đoạn 2 xây dựng khu chuồng trại chăn nuôi bò vỗ béo với số lượng khoảng 1.000 con, một nhà máy chế biến thức ăn cho bò, khu nhà xưởng lắp đặt thiết bị máy móc phục vụ cho chế biến cỏ. Giai đoạn 3 xây dựng khu nhà máy giết mổ khép kín. đến nay sau hơn một năm dự án vẫn đang giai đoạn lấp mặt bằng.

Dự án
Dự án chăn nuôi bò Mông tại xã Quảng Chu do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý, giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển bò Mông Việt Nam, vẫn đang giai đoạn san mặt bằng.


Ông Nguyễn Quang Tiếp- Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển bò Mông Việt Nam chia sẻ: Dự án chăn nuôi bò có tổng mức đầu tư là 136 tỷ đồng, trong đó Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ 45 tỷ đồng, số còn lại gần 100 tỷ là vốn của Công ty. Khi đi vào hoạt động, dự án sẽ giúp người dân trong vùng được hưởng nhiều lợi ích. Trong giai đoạn 1, Công ty dự kiến xây dựng các HTX hạt nhân để nuôi bò phục vụ cho khu giết mổ của dự án, vì vậy người dân hoàn toàn có thể chuyển đổi những diện tích đất lúa, ngô kém hiệu quả sang trồng cỏ và nuôi bò. Phía công ty sẽ ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho người dân, giúp nâng cao thu nhập. Công ty sẽ hỗ trợ mỗi HTX 30 triệu đồng tiền cỏ giống, hỗ trợ về kỹ thuật.

Chủ tịch UBND xã Quảng Chu Lê Phúc Lâu cho biết: Hiện nay dự án vẫn đang trong giai đoạn san lấp mặt bằng, chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để nhà đầu tư thực hiện dự án. Đây là dự án lớn tại địa phương, nhưng tiến độ thi công còn chậm. Việc thành lập HTX để chăn nuôi bò cho dự án đã xong, nhưng các HTX và Công ty chưa ký hợp đồng, hợp tác với nhau, các HTX thành lập vẫn chưa thể hoạt động được. Địa phương mong muốn Công ty đẩy nhanh tiến độ dự án, công bố các thông tin cụ thể và sớm thỏa thuận việc hợp tác đầu tư chăn nuôi để các HTX có hướng đầu tư kinh doanh.


Ông Trần Ngọc Quang- Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bắc Kạn cho biết: Hiện nay tại huyện Chợ Mới đã thành lập 10 HTX chăn nuôi bò Mông, trong đó xã Quảng Chu có 08 HTX, xã Bình Văn có 01 HTX, xã Thanh Bình có 01 HTX. Nhìn chung các HTX đều phải dựa vào vốn vay ngân hàng. Mỗi HTX sẽ cần số vốn từ 1 đến 1,5 tỷ đồng để mua bò, trồng cỏ và làm chuồng. Điều mà chúng tôi lo nhất là hiện nay chăn nuôi bò sinh sản cần quỹ thời gian từ 2-3 năm mới có sản phẩm. Vậy trong khoảng thời gian này, các HTX vệ tinh của dự án sẽ dựa vào nguồn thu nhập nào để phát triển chăn nuôi?


Ông Phạm Trọng Linh- Giám đốc HTX bò Mông số 5 chia sẻ: Đến thời điểm hiện nay, HTX chúng tôi chưa thỏa thuận được với Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển bò Mông Việt Nam. Về việc hợp tác chăn nuôi bò, qua thỏa thuận sơ bộ chúng tôi thấy một số bất cập. Thứ nhất, giá bò Công ty dự kiến bán cho chúng tôi khoảng 20 triệu đồng/con, cao hơn giá thị trường từ 4-5 triệu đồng. Thứ hai, Công ty muốn khoản tiền vay ngân hàng của HTX để mua bò phải được chuyển thẳng cho Công ty. Còn quan điểm của chúng tôi chỉ trả tiền khi được giao nhận bò tại HTX. Tiền vay phải về tài khoản HTX chúng tôi, nếu chuyển tiền cho Công ty trước thì ai dám chắc Công ty sẽ giao bò đảm bảo chất lượng theo cam kết?


Còn Giám đốc HTX bò Mông số 1, anh Nông Văn Tâm, xã Quảng Chu cho biết: Nuôi bò tự bỏ vốn như thế này rủi do khá cao, nếu bò chết hay dịch bệnh chết hàng loạt thì nguy cơ mất nhà vì không trả nợ được ngân hàng là khá lớn. Theo quy định của Công ty, mỗi HTX phải nuôi 50 con bò, theo giá Công ty là 20 triệu đồng/con, số tiền mua bò sẽ hết 1 tỷ đồng. Để có sản phẩm bê con bán lại cho Công ty thì khoản chi phí nuôi trong 3 năm là rất lớn. Nếu như các HTX được cấp bò giống và nuôi ăn chia sản phẩm thì mới là giải pháp phát triển HTX ở miền núi phù hợp với người dân tỉnh Bắc Kạn. Chúng tôi mong muốn cần có một hội đồng thẩm định, đánh giá giá trị thật của bò giống. Nếu không chỉ cần chênh 3 triệu đồng/ con thì mỗi HTX sẽ mất 150 triệu đồng- tương đương hàng chục con bò giống; với 10 HTX số tiền chênh lệch sẽ rất lớn.


Dự án nuôi bò Mông trị giá hơn 130 tỷ đồng rất có ý nghĩa về kinh tế, giúp bảo tồn giống bò quý, tạo việc làm cho người lao động địa phương. Tuy vậy hàng chục HTX đã được thành lập mà chưa thể đi vào hoạt động, do vậy các ngành chức năng cần hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc; bảo vệ các HTX bằng những hợp đồng chặt chẽ; hướng dẫn cụ thể để tránh rủi do cho các HTX còn non trẻ này, đồng thời tạo điều kiện để dự án được triển khai hiệu quả./.


Trần Tuyến

Xem thêm