Việc phát triển thị trường bảo hiểm mạnh mẽ không chỉ giúp bảo vệ các cá nhân và doanh nghiệp khỏi những tổn thất không mong muốn, mà còn tạo ra những động lực mới cho sự phát triển của nền kinh tế.
Đây là nội dung được nhiều đại biểu đề cập tới tại tọa đàm “Bảo hiểm - Giải pháp phòng ngừa rủi ro và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức ngày 17/10, tại Hà Nội.
Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Phát biểu tại tọa đàm, Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền nêu rõ, đây là một chủ đề có tính thời sự và mang ý nghĩa chiến lược, không chỉ với ngành bảo hiểm mà còn với toàn bộ nền kinh tế.
“Không chỉ dừng lại ở việc bảo vệ tài chính, bảo hiểm còn đóng vai trò như một nguồn vốn quan trọng cho các hoạt động đầu tư. Khi các công ty bảo hiểm thu phí từ người tham gia, họ tích lũy nguồn quỹ khổng lồ và có thể tái đầu tư vào các lĩnh vực khác của nền kinh tế. Nhờ đó, bảo hiểm góp phần cung cấp vốn cho các dự án phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng và các hoạt động sản xuất – kinh doanh, từ đó thúc đẩy tăng trưởng”, bà Phạm Thị Thanh Huyền nhấn mạnh.
Cũng theo Tổng Biên tập Phạm Thị Thanh Huyền, bảo hiểm không chỉ là công cụ phòng ngừa rủi ro mà còn là một động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Khi bảo hiểm hoạt động hiệu quả, nền kinh tế sẽ được hưởng lợi từ sự ổn định tài chính và các nguồn vốn dài hạn từ các quỹ bảo hiểm. Đặc biệt, trong những giai đoạn phát triển kinh tế nhanh, vai trò của bảo hiểm càng trở nên quan trọng.
“Một nền kinh tế mà các doanh nghiệp có thể duy trì hoạt động liên tục và ổn định sẽ là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy đầu tư, mở rộng sản xuất và gia tăng giá trị sản phẩm” - bà Huyền nêu rõ.
Đánh giá cao vai trò của ngành bảo hiểm, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cũng cho rằng, ngành bảo hiểm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bởi vì số tiền tái đầu tư trở lại để phát triển kinh tế của ngành bảo hiểm của cả bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ của năm 2023 là khoảng 757.000 tỷ đồng. Năm 2023, ngành bảo hiểm Việt Nam nhân thọ đã chi bồi thường là 24.000 tỷ đồng. Bảo hiểm vẫn chi trả bồi thường thiệt hại xảy ra hằng năm. Nếu cộng cả lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, thì số tiền chi trả bồi thường thiệt hại năm 2023 là 84.000 tỷ đồng - con số không phải là nhỏ.
Lá chắn phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro
Cơn bão số 3 (Yagi) đi qua đã để lại thiệt hại nặng nề về người, tài sản đối với nước ta. Trước thực tế đó, các doanh nghiệp bảo hiểm đã khẩn trương rà soát, chi trả quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng bị ảnh hưởng, kịp thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Ông Phạm Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, theo báo cáo của các doanh nghiệp bảo hiểm, tính đến ngày 16/10, ước tính thiệt hại lên tới 12.811 tỷ đồng, chủ yếu các bảo hiểm về tài sản kỹ thuật, xe cơ giới chiếm đến 96%. Tính tổng số thiệt hại do bão Yagi mang lại hơn 80.000 tỷ đồng. Nếu tính tổng giá trị thiệt hại và giá trị tham gia bảo hiểm rơi vào 17% của thiệt hại.
Điều này một lần nữa chứng minh bảo hiểm thực sự là một giải pháp phòng ngừa rủi ro hữu hiệu, giúp người dân, doanh nghiệp giảm bớt khó khăn và sớm phục hồi sau khi gặp phải những rủi ro; qua đó đóng góp quan trọng trong việc bảo đảm an sinh xã hội và góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tuy vậy, nhìn vào tỷ lệ tham gia bảo hiểm cũng cho thấy, “số có bảo hiểm là rất nhỏ”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam nhận định. Nhìn ra các nước trên thế giới, vừa qua, cơn bão Milton đổ bộ vào Mỹ đã gây tổn thất dự kiến khoảng 170 tỷ USD. Tỷ lệ được bảo hiểm tại Mỹ là rất cao, giá trị được bảo hiểm là 125 tỷ USD. Việt Nam tỷ lệ được bảo hiểm mới chỉ khoảng 17%, trong khi tại Mỹ tỷ lệ được bảo hiểm là 71%.
Đưa ra con số so sánh này, ông Tuấn cho rằng, Việt Nam đang nằm trong nhóm thấp của các nước về tỷ lệ bảo hiểm. “Hiện nay, nguồn lực của các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam còn non trẻ. Tổng vốn của các nghiệp bảo hiểm Việt Nam năm 2023 khoảng 190.000 tỷ đồng, cho thấy sự phát triển của ngành bảo hiểm Việt Nam vẫn chưa như kỳ vọng và chưa tương xứng với tiềm năng”, ông Tuấn chia sẻ.
Đề cập tới một số vướng mắc còn cản trở, ông Nguyễn Hồng Phong, Tổng giám đốc Bảo hiểm Agribank cho biết: Kể từ ngày 1/7/2024, khi Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi có hiệu lực, tình hình hoạt động của kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) đã có những thay đổi quan trọng, với tác động rõ rệt đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm. Tuy nhiên, tại khoản 5 Điều 15 Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7 quy định cấm gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.
“Việc quy định cấm gắn bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức là chưa rõ ràng, gây ra cách hiểu không thống nhất”, ông Hồng Phong nhìn nhận.
Cũng theo ông Nguyễn Hồng Phong, để tạo thuận lợi cho hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng trong bối cảnh thực thi Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024, ông Phong kiến nghị cần sớm có văn bản làm rõ quy định của Luật các tổ chức tín dụng tại Điều 15 khoản 5 “cấm gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức” để các tổ chức tín dụng được phép cung cấp một gói tài chính cho khu vực tam nông gồm sản phẩm Ngân hàng kết hợp sản phẩm Bảo hiểm rủi ro (bắt buộc theo quy định Luật hoặc bắt buộc theo quy định của ngân hàng để bảo vệ vốn vay).
Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Chính phủ có cơ chế chính sách để các tổ chức tín dụng coi hợp đồng bảo hiểm rủi ro (đặc biệt các rủi ro thiên tai thảm họa) là một điều kiện bổ sung bảo đảm để đủ điều kiện vay vốn và được nâng cao hạn mức vay vốn giá rẻ từ ngân hàng thương mại, đồng thời phí bảo hiểm cũng được ngân hàng cho vay theo thời hạn vay vốn…/.