Bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV

BBK -Chiều 09/01, sau 4 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ Chương trình đề ra và trọng thể tiến hành phiên Bế mạc.
Quang cảnh phiên Bế mạc.

Quang cảnh phiên Bế mạc.

Kỳ họp bất thường lần thứ 2 tuy diễn ra trong thời gian ngắn nhưng các đại biểu Quốc hội đã tập trung thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, tâm huyết, trách nhiệm, có chất lượng cao. Gần 350 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu qua 3 phiên thảo luận Tổ và 7 phiên họp toàn thể.

Các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ đã nỗ lực tổng hợp, tiếp thu, giải trình đầy đủ, nghiêm túc ý kiến của các vị đại biểu. Quốc hội đã xem xét, biểu quyết với sự nhất trí cao thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và 3 nghị quyết gồm: Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược; điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài, điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan và chuyển nguồn kinh phí công tác phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021 của các địa phương sang niên độ ngân sách năm 2022.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, phát biểu bế mạc Kỳ họp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, phát biểu bế mạc Kỳ họp.

Về công tác nhân sự, Quốc hội đã xem xét, quyết nghị miễn nhiệm 02 Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Phạm Bình Minh và ông Vũ Đức Đam; cho thôi làm nhiệm vụ ĐBQH khóa XV đối với ông Phạm Bình Minh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và ông Lê Minh Chuẩn, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh; phê chuẩn bổ nhiệm 02 Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và ông Trần Lưu Quang, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, đúng quy trình, thủ tục với sự đồng thuận, thống nhất rất cao.

Trong nội dung chương trình kỳ họp này, tỉnh Bắc Kạn là 1 trong 7 tỉnh được Quốc hội quyết nghị tăng dự toán vốn vay lại 33,7 tỷ đồng để trả nợ vay trước hạn trong Nghị quyết về việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương. Bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài và điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan; việc chuyển nguồn kinh phí công tác phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021 của các địa phương sang niên độ ngân sách năm 2022.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn tại phiên Bế mạc Kỳ họp.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn tại phiên Bế mạc Kỳ họp.

Cũng trong kỳ họp này ,Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 11 để thẩm tra các Tờ trình và Đề án của Chính phủ về thành lập đơn vị hành chính đô thị (05 thị trấn, 01 phường) của 04 tỉnh: Bắc Kạn, Đắk Lắk, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc. Trong đó, việc thành lập thị trấn Vân Tùng thuộc huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn đã nhận được sự tán thành, nhất trí cao của các thành viên Ủy ban Pháp luật.

Phát biểu bế mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Năm 2023 là năm bản lề có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và kế hoạch 5 năm 2021-2025. Tình hình quốc tế, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; đại dịch Covid-19 trên toàn cầu chưa chấm dứt và hậu quả của đại dịch còn phải khắc phục trong nhiều năm; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn diễn ra gay gắt; tăng trưởng kinh tế toàn cầu có xu hướng chậm lại, nhiều nước lạm phát ở mức cao, có dấu hiệu đình trệ hoặc suy thoái; trong nước, sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất gia tăng; sản xuất kinh doanh đối mặt với nhiều thách thức… Trong bối cảnh đó, các cấp, các ngành, đơn vị, doanh nghiệp và người dân cần quán triệt, bám sát các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết 68/2022/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Trước mắt, để hiện thực hóa đồng bộ và hiệu quả các quyết sách tại Kỳ họp bất thường lần thứ hai, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cấp, các ngành, các cơ quan trong bộ máy nhà nước, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội tổ chức triển khai thực hiện nhanh chóng, kịp thời các Luật, Nghị quyết vừa được thông qua./.

Xem thêm