Bế mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Chiều 24/6, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV hoàn thành toàn bộ chương trình làm việc và tiến hành bế mạc.

Trong 23 ngày làm việc, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 8 luật, 17 nghị quyết với tỷ lệ tán thành cao; cho ý kiến lần đầu 8 dự án luật, thảo luận và quyết nghị nhiều nội dung quan trọng khác.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Dự Phiên bế mạc có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Phạm Minh Chính; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng; Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến và các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam...

Quốc hội làm lễ chào cờ.

Quốc hội làm lễ chào cờ.

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét, biểu quyết thông qua 8 luật, gồm 6 luật đã cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4, gồm: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật Đấu thầu; Luật Giá; Luật Giao dịch điện tử; Luật Hợp tác xã; Luật Phòng thủ dân sự. Đồng thời, cho ý kiến và thông qua theo quy trình tại một kỳ họp đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Quang cảnh phiên bế mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Quang cảnh phiên bế mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Quốc hội thông qua 3 nghị quyết quy phạm pháp luật gồm: Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; Nghị quyết Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Quốc hội đã nghe Chính phủ báo cáo kết quả lấy ý kiến Nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) với hơn 12 triệu lượt ý kiến, cho ý kiến lần thứ hai, hoàn thiện một bước cơ bản đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi); cho nhiều ý kiến lần đầu đối với 8 dự án luật khác, gồm: Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Các đại biểu tham dự phiên bế mạc kỳ họp.

Các đại biểu tham dự phiên bế mạc kỳ họp.

Với kết quả công tác lập pháp tại kỳ họp này, cho đến nay, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan đã hoàn thành 112/137 nhiệm vụ nghiên cứu lập pháp của cả nhiệm kỳ, đạt tỷ lệ 81,8%; trong đó có 32 nhiệm vụ đã được ban hành thành luật, pháp lệnh, nghị quyết quy phạm pháp luật; 29 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và năm 2024.

Quốc hội dành 2,5 ngày chất vấn các thành viên Chính phủ về 4 nhóm lĩnh vực: Lao động - Thương binh và Xã hội, Dân tộc, Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp, xác định cụ thể các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và thời hạn hoàn thành, làm cơ sở để giám sát việc thực hiện, yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các vị bộ trưởng, trưởng ngành thực hiện nghiêm các cam kết trước Quốc hội và cử tri cả nước, vừa kịp thời khắc phục hiệu quả các yếu kém, hạn chế trước mắt, vừa tạo chuyển biến thực chất, căn cơ và lâu dài trong từng lĩnh vực được chất vấn.

Quốc hội đã dành nhiều thời gian thảo luận các báo cáo, tờ trình của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023.

Quốc hội đã xem xét, quyết định công tác nhân sự đối với chức danh Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhiệm kỳ 2021 - 2026, phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm 1 thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các vị đại biểu Quốc hội sớm báo cáo cử tri cả nước kết quả Kỳ họp, thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ, lắng nghe, phản ánh trung thực ý kiến và nguyện vọng của cử tri, động viên Nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực giám sát việc tổ chức, thi hành Hiến pháp và pháp luật, trong đó có các luật, nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp./.

Nguyễn Thêm

Xem thêm