Các mô hình Dự án 8 hướng tới phụ nữ, trẻ em vùng DTTS

BBK - Triển khai thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, Hội LHPN các cấp tỉnh Bắc Kạn đã lựa chọn nhiều hoạt động phù hợp với từng đối tượng phụ nữ để triển khai, trong đó đặc biệt chú trọng xây dựng mô hình mới tại các thôn đặc biệt khó khăn.

b12-anh-1.jpg
Một buổi truyền thông tại thôn Bản Đính, xã Nghiên Loan (Pác Nặm).

Với hoạt động thiết thực, các mô hình thuộc Dự án 8 đã đi vào cuộc sống, đem lại hiệu quả nhất định, góp phần nâng cao chất lượng đời sống tinh thần cho cộng đồng, được người dân hưởng ứng tham gia và đánh giá cao.

Tổ truyền thông cộng đồng (TTCĐ) là một trong 4 mô hình trọng tâm của Dự án 8 với mục tiêu giúp phụ nữ dân tộc thiểu số và miền núi thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”. Để thực hiện hiệu quả mô hình, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo, triển khai, nhân rộng 380 mô hình tại các thôn đặc biệt khó khăn trong toàn tỉnh. Việc thành lập mô hình tổ truyền thông cộng đồng với lực lượng nòng cốt là cán bộ từ thôn, bản, người có uy tín trong cộng đồng tham gia góp phần quan trọng trong giải quyết những vấn đề tại địa phương.

b12-anh-2.jpg
Lễ ra mắt mô hình Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại Trường TH và THCS Vi Hương (Bạch Thông).

Chia sẻ về hoạt động của Tổ TTCĐ, ông Nông Xuân Hoàn, Bí thư Chi bộ thôn kiêm Tổ trưởng Tổ truyền thông cộng đồng Bản Đính, xã Nghiên Loan, (Pác Nặm) cho biết: "Lúc đầu, chúng tôi thực sự băn khoăn, lo lắng vì mô hình Tổ TTCĐ là mô hình mới. Nhưng nhờ sự “cầm tay, chỉ việc” của cán bộ Hội LHPN tỉnh, sự ủng hộ của cấp ủy chính quyền, các ban ngành, đoàn thể địa phương đã giúp cho thành viên của Tổ TTCĐ tổ chức hiệu quả các hoạt động truyền thông với nhiều nội dung ý nghĩa, thiết thực lồng ghép với các buổi sinh hoạt trong thôn, thu hút được đông đảo bà con nhân dân cùng tham gia".

Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" là mô hình trong Dự án 8 dành riêng cho đối tượng trẻ em DTTS. Với chỉ tiêu 74 câu lạc bộ được củng cố, hoặc thành lập mới, CLB được thành lập tại các trường học sẽ giúp nâng cao nhận thức, thái độ và hành vi của trẻ em; bảo vệ trẻ em khỏi các hình thức bạo lực, xâm hại, bóc lột, buôn bán, bắt cóc và tảo hôn… Qua đó, tạo sự thay đổi tích cực về thái độ, nhận thức và hành vi ứng xử trong việc ngăn ngừa và ứng phó với bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là vấn đề xâm hại tình dục trẻ em, các vấn đề về sức khỏe sinh sản và kết hôn trẻ em.

Mô hình địa chỉ tin cậy cũng được Hội LHPN tỉnh quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Từ mô hình chỉ đạo điểm của tỉnh tại thôn Cây Thị, xã Mỹ Thanh (Bạch Thông), đến nay Dự án đã nhân rộng được 40 mô hình tại các thôn đặc biệt khó khăn. Đây là mô hình tổ chức và hoạt động xã hội tình nguyện tại cộng đồng; có nhiệm vụ truyền thông cho cộng đồng về các vấn đề bình đẳng giới, về phòng, chống bạo lực gia đình và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới.

Với sự vào cuộc tích cực, tính đến tháng 11/2024, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã chỉ đạo, phối hợp thành lập được 380 “Tổ truyền thông cộng đồng”; thành lập 72 Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”, 40 "Địa chỉ tin cậy" tại các thôn đặc biệt khó khăn, với trên 6.500 thành viên.

Có thể nói, hoạt động của các mô hình, câu lạc bộ trong thời gian qua đã góp phần làm thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại. Đồng thời thúc đẩy bình đẳng giới, giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em. Đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng./.

Xem thêm