Phát biểu thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh đặc biệt quan tâm đến chính sách phát triển cây dược liệu. Đại biểu cho biết, cây dược liệu Việt Nam là kho tàng vô giá với khoảng 5.117 loài nhưng hiện mới có khoảng 200 loài được khai thác thương mại. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm có khoảng 80% dân số toàn cầu sử dụng thảo dược để chăm sóc sức khỏe ban đầu, nên cây dược liệu Việt Nam rất có tiềm năng khai thác. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật mới chỉ có chính sách ưu đãi đầu tư đối với các dự án dược liệu có quy mô nhỏ lẻ. Do đó, đại biểu đề nghị phải có chính sách ưu đãi, định hướng phát triển vùng nguyên liệu dược liệu liên vùng phù hợp với từng loài để có nguồn nguyên liệu dồi dào, chất lượng nhằm phát triển ngành công nghiệp dược liệu của Việt Nam.
Bên cạnh đó, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân đề nghị sửa đổi quy định về cấp Chứng chỉ hành nghề dược tại Điều 23 Luật Dược theo hướng “Giám đốc Sở Y tế thành lập Hội đồng tư vấn cấp Chứng chỉ hành nghề dược có sự tham gia của đại diện Hội về dược (nếu có) để tư vấn cho Giám đốc Sở Y tế trong việc cấp, cấp lại, thu hồi Chứng chỉ hành nghề dược” cho phù hợp với thực tiễn hiện nay ở một số tỉnh, thành phố không có Hội đồng Tư vấn cấp Chứng chỉ hành nghề dược.
Phân tích các vấn đề liên quan đến quy định về quảng cáo thuốc, trong dự thảo luật đã bỏ các quy định về cung cấp các thủ tục hành chính liên quan, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm và thực hiện theo quy định của Chính phủ thông qua thanh tra, kiểm tra của cơ quan QLNN, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân bày tỏ sự lo lắng trước tình hình đội ngũ cán bộ thanh tra, kiểm tra quản lý về dược rất ít như hiện nay, thông tin quảng cáo về thuốc và thuốc điều trị đến với người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa có đảm bảo chính xác là tốt nhất hay chưa. Do đó, đại biểu đề nghị cần có nguyên tắc rất rõ để xử lý vi phạm hành chính đối với việc quảng cáo sai sự thật, nhất là trên các trang mạng xã hội, đồng thời cần phải có quy định trách nhiệm phối hợp của các cơ quan QLNN để nâng cao chất lượng thuốc điều trị, đảm bảo sức khỏe cho người dân.
Đồng quan điểm về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Huế, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cũng đề nghị trường hợp kinh doanh thuốc theo phương thức thương mại điện tử cần thiết phải có quy định cụ thể, rõ ràng, chi tiết hơn đối với những loại thuốc được phép kinh doanh, những đối tượng được phép tham gia mua, bán theo phương thức thương mại điện tử và hình thức giao thuốc đến khách hàng, để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.
Tham gia thảo luận về dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), đại biểu Hà Sỹ Huân, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị: Bổ sung thêm nguyên tắc “phục hồi” vào quy định về nguyên tắc quản lý, bảo vệ di sản văn hóa, vì thực tiễn trước đây, khi thực hiện Luật Di sản văn hóa, việc phục hồi chưa thực sự được quan tâm, nhất là đối với di sản văn hóa phi vật thể; bổ sung quy định “ưu tiên NSNN để phục dựng lại các điểm di tích không còn các công trình” để gắn trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của di tích, vì hiện nay có rất nhiều di tích cấp Quốc gia chỉ còn địa điểm dựng bia. Đồng thời, đề nghị bổ sung hành vi “cấm hủy hoại rừng” thuộc di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, để các địa phương quản lý tốt hơn khu vực cảnh quan của di tích.
Cùng tham gia thảo luận về dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Huế đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu có những quy định về chính sách bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, đặc biệt là tiếng nói, chữ viết, phong tục tập quán, văn hóa kiến trúc, trang phục đặc trưng của các DTTS. Băn khoăn về quy định cấm làm sai lệch di sản văn hóa, đại biểu Huế đề nghị cần cân nhắc, quy định cụ thể hơn, vì đối với những di sản văn hóa phi vật thể như các làn điệu dân ca, dân vũ khi phục dựng có cải biên cho phù hợp có thể bị coi là vi phạm hành vi bị nghiêm cấm./.