Cần đảm bảo chính sách ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ khu vực miền núi và vùng có điều kiện KT-XH khó khăn

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Hôm nay (10/11), là ngày làm việc cuối cùng của đợt 1 Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Theo chương trình kỳ họp, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 và Nghị quyết về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024, đồng thời thảo luận tại Tổ về các dự án luật.

Buổi sáng, sau khi nghe các Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, Dự án Luật Đường bộ và dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, các ĐBQH thảo luận ở Tổ về các nội dung trên.

ĐBQH Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (Đoàn Bắc Kạn) tham gia thảo luận tại tổ.

ĐBQH Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (Đoàn Bắc Kạn) tham gia thảo luận tại tổ.

ĐBQH Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (Đoàn Bắc Kạn) nhất trí với sự cần thiết của việc tách Luật Giao thông thành Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, tuy nhiên đề nghị cần rà soát kỹ lưỡng các nội dung để tránh trùng lắp, chồng lấn hay bỏ sót nội dung cần quy định.

Liên quan đến việc đào tạo lái xe, ĐBQH Nguyễn Thị Thủy đề nghị cần xem xét quy định “Người học lái xe phải được đào tạo tại các cơ sở đào tạo lái xe hoặc các hình thức đào tạo theo quy định để cấp mới hoặc nâng hạng giấy phép lái xe” cho phù hợp với tình hình hiện nay và đề nghị cho phép người thi lấy Giấy phép lái xe được tự học lý thuyết và tự thực hành lái xe mô tô mà không cần đến các cơ sở đào tạo để tránh lãng phí cho xã hội.

Góp ý dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, ĐBQH Nguyễn Thị Thủy cho rằng, nhiều nội dung trong phần giải thích từ ngữ còn rất khó hiểu, sẽ khó áp dụng trong thực tế, cần xem xét, quy định rõ ràng, dễ hiểu hơn. Về khả năng khiếu kiện, nếu theo quy định của dự thảo Nghị quyết thì khả năng khiếu kiện ra Tòa án quốc tế sẽ rất cao, khả năng thua của Việt Nam là rất lớn, chi phí tố tụng phải nộp cũng rất lớn, ảnh hưởng đến việc thu thuế trong nước và phải đầu tư thêm nhiều chi phí về nhân lực theo kiện. Vì vậy, ĐBQH Nguyễn Thị Thủy đề nghị Chính phủ đánh giá thêm và cũng cần thể hiện rõ quan điểm về nội dung này.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn.

Thảo luận góp ý cho dự thảo Luật Đường bộ, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đặc biệt quan tâm đến các quy định về chính sách phát triển đường bộ trong dự thảo luật. Chỉ rõ những quy định còn chưa đầy đủ, thống nhất và rất khó thực hiện trong triển khai các quy định về chính sách ưu tiên xây dựng và đầu tư các tuyến đường bộ cho các tỉnh khu vực miền núi và vùng có điều kiện KT-XH khó khăn, nhất là về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ và đường cao tốc như dự thảo Luật đang quy định Thủ tướng Chính phủ giao cho UBND tỉnh thực hiện đầu tư xây dựng căn cứ vào khả năng bố trí nguồn lực của địa phương. Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân đề nghị nên xem xét, quy định lại nội dung này cho sát, đúng với tinh thần, chính sách phát triển đường bộ quy định tại Điều 5 của dự thảo luật.

Bên cạnh đó, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân đề nghị cân nhắc lại việc xây dựng các Trung tâm quản lý hệ thống giao thông thông minh quốc gia, Trung tâm quản lý, điều hành đường cao tốc quốc gia, Trung tâm quản lý điều hành giao thông tuyến… Trong đó, cần quan tâm hiệu quả của việc chia sẻ dữ liệu giữa các trung tâm cũng như chi phí đảm bảo và nhân lực điều hành trung tâm này vì trong dự thảo luật chưa có quy định các điều kiện đảm bảo cho hoạt động của các trung tâm này.

Đồng thời, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân đề nghị xem xét bổ sung nội dung giải thích từ ngữ đối với “hệ thống sạc điện” cho phương tiện giao thông cơ giới sử dụng năng lượng điện được đề cập trong dự thảo và đề nghị cân nhắc việc xây dựng hệ thống sạc điện này đảm bảo đồng bộ, phù hợp với các quy hoạch về giao thông, quy hoạch hệ thống điện và an toàn phòng cháy, chữa cháy.

Góp ý vào các nội dung cụ thể của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, ĐBQH Nguyễn Thị Huế, Phó Chủ tịch UBND thành phố Bắc Kạn đề nghị bổ sung vào nội dung các hành vi bị nghiêm cấm, quy định tại Điều 8 đối với hành vi làm sai lệch hồ sơ, kết quả đăng kiểm; bổ sung quy định về độ tuổi được phép điều khiển xe đạp điện tham gia giao thông đối với người từ 13 tuổi trở lên để phù hợp với thực tế hiện nay, khi mà học sinh đi xe đạp điện đến trường rất phổ biến với thiết kế tốc độ tối đa của từng loại xe đạp điện vào khoảng 30 - 35 km/h, để đảm bảo an toàn cho học sinh khi tham gia giao thông; bổ sung vào Điều 52 đối tượng học sinh trong độ tuổi từ 13-15 tuổi được phổ biến, hướng dẫn kỹ năng lái xe an toàn và kiến thức về an toàn giao thông để học sinh THCS cũng được phổ biến, hướng dẫn nội dung này.

Kết thúc buổi thảo luận, trong phát biểu của mình, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương (Đoàn Quảng Ngãi) đề nghị các ĐBQH tiếp tục nghiên cứu, góp ý đối với Dự thảo Luật Đường bộ và Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ để đảm các quy định giao thoa nhưng không chồng lấn./.

Xem thêm