Cần sớm có cơ chế, chính sách đủ mạnh để níu giữ người dân ở lại với rừng, giữ rừng

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Sau 1,5 ngày thảo luận tại Hội trường, Quốc hội đã hoàn thành nội dung thảo luận về về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023 và dự kiến kế hoạch năm 2024...

Quốc hội còn thảo luận, đánh giá giữa nhiệm kỳ về việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021-2025, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Báo cáo của Chính phủ về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng và Kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Với 69 đại biểu phát biểu, 24 đại biểu tham gia tranh luận, các đại biểu đã tập trung đánh giá những khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới; điều chỉnh chính sách tài khóa nới rộng; giải ngân đầu tư công; công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; công trình đường bộ cao cấp; quản lý chung cư mini; tình hình hoạt động và các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp; thị trường lao động; đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng xanh; chương trình Chuyển đổi số quốc gia; nâng cao chất lượng công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và ban hành các chính sách, cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính; chú trọng công tác bảo vệ trẻ em, việc làm cho thanh niên; điều kiện phát triển y tế, giáo dục…

Đồng chí Hồ Thị Kim Ngân, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Kạn.

Đồng chí Hồ Thị Kim Ngân, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Kạn.

Bên cạnh đó còn 92 đại biểu Quốc hội đã đăng ký nhưng chưa phát biểu do không còn thời gian thảo luận. Theo sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các đại biểu đã gửi ý kiến về Ban Thư ký Quốc hội tổng hợp.

Từ thực tiễn tại địa phương, đồng chí Hồ Thị Kim Ngân, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Kạn đã chuyển tải đến Quốc hội 3 vấn đề xoay quanh kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, kế hoạch năm 2024, như sau:

Trước hết, là sự vui mừng của cử tri khi lần đầu tiên nước ta bán được 10,3 triệu tấn các-bon trị giá tương đương 51 triệu USD. Đây là kết quả bước đầu của việc nước ta cam kết mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Phó Trưởng đoàn ĐBQH Hồ Thị Kim Ngân cho rằng: Việc tham gia mua bán giảm phát thải thông qua tín chỉ các-bon sẽ mang lại nguồn kinh phí quan trọng cho địa phương có rừng để tiếp tục đầu tư vào công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; góp phần nâng cao đời sống và sinh kế cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, các hộ sống trong và ven rừng nói chung; chia sẻ giảm áp lực kinh phí đầu tư của địa phương trong công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Đây cũng là một trong những nội dung cần phải thực hiện theo Kết luận 61 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW ngày 12/01/2017 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Theo ĐBQH Hồ Thị Kim Ngân, trong Kết luận 61, với 8 nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện, cử tri rất mong muốn các nguyên tắc, tiêu chí, định mức, cơ chế điều tiết, phân bổ ngân sách nhà nước bảo đảm hài hoà lợi ích, trách nhiệm đối với các địa phương có diện tích rừng lớn cần sớm được xây dựng và tổ chức thực hiện. Hiện nay định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên của Trung ương cho các lĩnh vực chưa tính đến các tiêu chí về diện tích đất lâm nghiệp và tỷ lệ che phủ rừng nên việc phân bổ chưa thực sự đảm bảo công bằng, các tỉnh có điều kiện đặc thù (diện tích rừng lớn, dân số ít) sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương do nguồn ngân sách được phân bổ thấp hơn nhiều so với nhu cầu thực tế. Bên cạnh đó, hiện nay mức giao khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư, hộ gia đình còn rất thấp, không đủ để người dân phát triển kinh tế - sống dựa vào rừng, trong khi đó số kinh phí cần chi trả cho người dân đã thực hiện trong năm 2021 đến nay vẫn chưa được bố trí.

Nội dung này ĐBQH Hồ Thị Kim Ngân đã có ý kiến rất nhiều lần đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần quyết liệt hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo sớm có cơ chế, chính sách đủ mạnh để níu giữ người dân ở lại với rừng, giữ rừng.

Thứ hai, đánh giá cao ý nghĩa to lớn của Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh 6 vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó đã xác định các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát huy thế mạnh, tiềm năng của Vùng Trung du miền núi Bắc Bộ, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội bền vững, gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, củng cố vai trò “phên dậu” và “lá phổi” đối với đất nước của vùng.

Với mục tiêu, định hướng chung là khai thác tốt hơn và phát huy tốt nhất các lợi thế của mỗi vùng về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, kinh tế, chính trị, nguồn nhân lực và tăng cường tính liên kết nội vùng và liên kết vùng để tham gia và các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới, ĐBQH Hồ Thị Kim Ngân bày tỏ sự đồng tình với nhiệm vụ, giải pháp năm 2024 và thời gian tới mà Chính phủ đưa ra. Đồng thời tán thành nội dung này trong dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, đó là: Tăng cường liên kết vùng, nhất là hạ tầng giao thông, năng lượng; tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh 6 vùng kinh tế - xã hội; phát huy mạnh mẽ vai trò của các Hội đồng điều phối vùng. Bên cạnh đó, cần tiếp tục rà soát, xây dựng hoàn thiện thể chế liên kết vùng trong đó tập trung khẩn trương hoàn thành lập và phê duyệt quy hoạch vùng và quy hoạch các địa phương trong vùng.

Thứ ba, đánh giá kết quả thực hiện chính sách pháp luật về công tác quy hoạch thời gian qua, ĐBQH Hồ Thị Kim Ngân cho biết: Có thể thấy hệ thống quy hoạch quốc gia đã có những kết quả tích cực nhưng vẫn chậm so với yêu cầu, gây áp lực cho công tác phê duyệt, quyết định quy hoạch trong những tháng cuối năm, ảnh hưởng đến thực hiện mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm. Với nhiều giải pháp cấp bách tại Nghị quyết 61 của thì Quốc hội thì cần phải đẩy nhanh hơn nữa tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch để có căn cứ pháp lý vững chắc cho sự phát triển bền vững của quốc gia, của mỗi địa phương, đồng thời đảm bảo tính toàn diện, đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật về quy hoạch.

Theo đó, ĐBQH Hồ Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện tổng kết, đánh giá toàn diện Luật Quy hoạch và các nội dung có liên quan đến quy hoạch trong các văn bản luật, văn bản quy phạm pháp luật; kiến nghị Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Quy hoạch và các luật có liên quan đến quy hoạch nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về công tác quy hoạch bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật theo đúng yêu cầu tại Nghị quyết số 61/2022/QH15 được thông qua tại Kỳ họp thứ 3.

Trong các phiên thảo luận, có 05 bộ trưởng đã tham gia phát biểu, giải trình nhiều vấn đề được cử tri, Nhân dân và các đại biểu Quốc hội quan tâm. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, do thời gian có hạn, các vấn đề mà đại biểu quan tâm chưa thể trả lời được đầy đủ. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, các bộ trưởng ghi nhận để tiếp tục trả lời và giải trình tại phiên chất vấn của ĐBQH tại Kỳ họp này./.

quốc hội

Xem thêm