Chợ Đồn phát triển lâm nghiệp gắn với chế biến

BBK - Để phát triển lâm nghiệp bền vững, những năm qua, huyện Chợ Đồn thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ người dân phát triển kinh tế rừng, tập trung phát triển nghề chế biến lâm sản, góp phần tăng hiệu quả kinh tế, tạo việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho người lao động.

127.jpg
Xưởng sản xuất gỗ của gia đình ông Ma Doãn Khiêm, thôn Bản Điếng, xã Bình Trung tạo thu nhập cho nhiều lao động địa phương.

Ông Ma Doãn Khiêm ở thôn Bản Điếng, xã Bình Trung cho biết: “Nhận thấy nhu cầu thị trường ván bóc lớn, địa phương có nguồn cung cấp gỗ đảm bảo số lượng và chất lượng, năm 2014, tôi bàn với gia đình quyết định mở xưởng gỗ ván bóc, băm dăm. Với 04 máy móc gồm máy bóc, dàn nâng, băm dăm, trung bình mỗi tháng xưởng sản xuất được trên 100 tấn gỗ, nguyên liệu chủ yếu mua tại xã và khu vực lân cận. Xưởng tạo việc làm thường xuyên hơn 10 lao động với mức thu nhập từ 7-8 triệu đồng/người/tháng”.

Lương Bằng có tổng diện tích rừng tự nhiên trên 5.400ha, trong đó rừng sản xuất hơn 1.500ha, chủ yếu là cây mỡ và quế. Xác định phát triển kinh tế đồi rừng gắn với chế biến tại chỗ là một trong những giải pháp phát triển kinh tế địa phương theo hướng bền vững, xã huy động, khuyến khích các hộ dân phát triển các cơ sở sản xuất chế biến lâm sản để vừa tận dụng được nguồn nguyên liệu tại chỗ, vừa giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư nhà xưởng sản xuất với dây chuyền máy móc, trang thiết bị công nghệ hiện đại. Hiện, toàn xã có 05 cơ sở chế biến lâm sản, chủ yếu là chế biến gỗ ván bóc, tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương. Các sản phẩm sau chế biến gỗ ở xã chủ yếu làm theo đơn đặt hàng, tiêu thụ tại các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang...

Gia đình bà Chu Thị Hoan, thôn Nà Lếch, xã Lương Bằng vừa khai thác khoảng 01ha gỗ rừng trồng cây mỡ, với sản lượng gần 70m3 gỗ. Nhờ tiêu thụ cho cơ sở chế biến gỗ ngay tại địa phương đã giúp gia đình bà giảm được chi phí vận chuyển hơn nhiều so với trước đây. Bà Hoan chia sẻ: “Những năm gần đây, địa phương có cơ sở chế biến gỗ bóc nên rất thuận lợi cho việc tiêu thụ nguyên liệu tại chỗ của người dân. Những chủ rừng như chúng tôi cũng yên tâm khai thác và đầu tư vào trồng rừng để phát triển kinh tế gia đình”.

Ông Ma Thế Quốc, Chủ tịch UBND xã Lương Bằng đánh giá: “Việc phát triển lâm nghiệp gắn với chế biến những năm gần đây đã góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của xã. Thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tận dụng đất trống để trồng rừng phân tán, trồng lại sau khai thác và thực hiện mô hình trồng rừng xen canh. Đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các cơ sở chế biến gỗ hiện có phát triển và mở rộng quy mô sản xuất, khuyến khích các thành phần kinh tế tiếp tục đầu tư phát triển để góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân”.

Chợ Đồn có tổng diện tích đất có rừng trên 76.000ha, trong đó rừng tự nhiên chiếm trên 59.000ha. Thông qua thực hiện nhiều giải pháp, đến nay huyện có tổng diện tích rừng trồng trên 14.000ha, chủ yếu là trồng cây mỡ, keo, quế. Khu phía Nam huyện gồm các xã: Bình Trung, Nghĩa Tá, Lương Bằng, Yên Phong... là vùng trọng điểm về phát triển kinh tế rừng. Toàn huyện hiện có trên 50 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình chế biến, kinh doanh lâm sản, chủ yếu là cơ sở sản xuất ván bóc, băm dăm, vầu nứa, sản xuất giấy đế, đóng đồ mộc, đồ gia dụng, đũa gỗ...

Thời gian tới, huyện tiếp tục nâng cao giá trị kinh tế lâm nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở chế biến gỗ phát triển ổn định. Huyện thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: Mở rộng diện tích cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC), thực hiện chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn, thực hiện dự án đường lâm nghiệp, giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn một số xã.../.

Xem thêm