Hậu quả của cơn bão số 3, đã làm nhiều HTX bị ảnh hưởng nặng nề. HTX Cá tầm- cá hồi Pù Lầu của anh Đặng Hành Dũng trên đỉnh Phja Bjoóc có 30 bể cá thì có 2 bể cá to và 3 bể cá bé và hơn 3.000 cá giống bị lũ vùi lấp hoàn toàn, ước tính thiệt hại khoảng 250 - 300 triệu đồng. Nhiều diện tích cây trồng và vật nuôi của HTX Nam Cường, HTX Thương mại và Dịch vụ Toàn Dân; HTX Kiềm Miền Ba Bể, HTX Hợp Phát bị thiệt hại. Hơn 1.000 cây hồng không hạt của HTX Đồng Lợi bị chết, thiệt hại khoảng 100 triệu đồng. 3 xưởng nấm và nhiều nấm thành phẩm của HTX Quý Hợp bị thiệt hại khoảng 45 triệu. 2.500m2 vườn hoa hồng của HTX Trà Hạnh Phúc bị ngập úng, thối rễ và chết. 8.000m2 hệ thống ao nuôi cá của HTX Thành Đạt bị vỡ bờ và ngập nước. 02 nhà màng bị lốc mái, 1.000m2 dưa lưới đang chuẩn bị thu hoạch, 3.800m2 diện tích dưa lưới trong giai đoạn thụ phấn của HTX Dịch vụ Như Cố bị ngập úng...
Mưa bão gây mất điện khiến đàn gà của HTX Hoa Mai bị chết, ước tính thiệt hại gần 300 triệu đồng. Khoảng 200 con cá giống và 150kg cá thành phẩm HTX Hoàng Duy bị thất thoát...
Do mưa lớn kéo dài, địa điểm sản xuất của Hợp tác xã Lan Nhi, xã Quang Thuận (Bạch Thông) nằm sát bờ sông Cầu nên thiệt hại nặng nề, ước tính khoảng 250 triệu đồng. 02 chòi làm điểm check-in và nghỉ ngơi cho du khách bị lũ cuốn trôi, 01 chòi bị hư hỏng, 01 chòi có nguy cơ bị sạt lở cần nâng cấp. 2ha trồng gừng và hoa bị hỏng; nhiều hạng mục, diện tích nông nghiệp khác bị hư hỏng.
Ngay sau khi tan bão, HTX đã lên phương án khắc phục hậu quả như khẩn trương thu hoạch số gừng còn lại; thuê nhân công đi trục vớt, thu gom một số cây cảnh còn sống để chăm sóc, cắt tỉa. Đối với diện tích hoa thảm, HTX làm lại mặt bằng và mua giống mới, tiếp tục nhân rộng. HTX đưa ra phương án tiếp tục vay vốn tái đầu tư xây mới 02 chòi; sửa chữa, nâng cấp những hạng mục bị hư hỏng. Dự tính khoảng giữa tháng 10/2024 HTX Lan Nhi mở cửa đón khách trở lại.
Sau cơn bão số 3, HTX Dương Quang, thành phố Bắc Kạn có 2,3ha dưa lưới và hoa cúc bị ngập úng. HTX đã khẩn trương khơi thông mương, hệ thống thoát nước, trồng dặm lại những diện tích hoa cúc chi đã bị ngập úng. Cố gắng không làm ảnh hưởng đến mùa vụ cũng như kế hoạch sản xuất của HTX trong năm 2024.
Xã Hiệp Lực, huyện Ngân Sơn cũng là địa phương chịu nhiều thiệt hại sau cơn bão số 3. HTX nông nghiệp công nghệ cao Thành Đạt cũng bị ảnh hưởng khá nặng nề, 200m2 cây dâu tây giống bị ngập úng, thiệt hại gần 200 triệu đồng. Sau khi bão tan, HTX đã mua giống trồng lại. Năm nay, HTX dự ước sẽ cung cấp khoảng 3-5 vạn cây dâu tây giống ra các tỉnh như Nghệ An, Tuyên Quang, Thái Nguyên…
Ông Trần Ngọc Quang, Phó Chủ tịch phụ trách Liên minh HTX tỉnh: “Trong thời gian tới, các HTX cần sớm điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư; huy động nguồn lực của thành viên để ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tăng cường hợp tác, chủ động, sáng tạo tháo gỡ khó khăn, thực hiện đầy đủ cam kết, các nghĩa vụ của HTX đối với Nhà nước, người lao động và cộng đồng. Tập trung liên doanh, liên kết theo chuỗi giá trị để phát triển bền vững, tiếp cận để có thêm các cơ hội kết nối thị trường, phát triển thị phần. Nỗ lực duy trì hoạt động, chủ động tiếp cận các chính sách phù hợp với điều kiện của HTX để nâng cao hiệu quả hoạt động”.
Qua nắm bắt, thiệt hại sau cơn bão số 3 của các HTX về cơ sở hạ tầng, nông sản, con giống, vật tư... là khá lớn. Chia sẻ với những khó khăn của các HTX, Liên minh HTX tỉnh đang khẩn trương thống kê thiệt hại và hỗ trợ, hướng dẫn các HTX tiếp cận nguồn lực tài chính và cơ sở vật chất để sớm khắc phục những thiệt hại do bão gây ra. Tuy nhiên, nhiều HTX hiện rất khó khăn về nguồn vốn, cần có các cơ chế, chính sách hỗ trợ để nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh./.