Góp phần tăng giá trị, tạo việc làm, nâng cao đời sống cho người dân nông thôn, các chủ thể HTX thông qua phát triển sản phẩm OCOP đã nâng cao trình độ, năng lực quản lý, phương thức quảng bá thương hiệu và nâng cao chất lượng các sản phẩm...
Toàn tỉnh hiện có 450 HTX, với 4.267 thành viên, trong đó HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm 74%. 9 tháng năm 2024, Liên minh HTX tỉnh đã tư vấn hỗ trợ cho 95 lượt HTX về hồ sơ thủ tục, đăng ký lại ngành nghề, tư vấn các HTX tham gia sản phẩm OCOP, hỗ trợ tiếp cận vốn vay và các chính sách thuế…
HTX Nhung Lũy (Ba Bể) khi mới thành lập, chỉ tạo ra sản phẩm mà chưa tiếp cận được thị trường do không có chiến lược phát triển cụ thể. Khi tham gia Chương trình OCOP, hoạt động của HTX gắn với phát triển thương hiệu sản phẩm. Đến nay, HTX Nhung Lũy có nhiều sản phẩm đạt OCOP 3 sao như: Bí xanh thơm, trà bí thơm Ba Bể, giảo cổ lam, lạp sườn gác bếp… mẫu mã bao bì cũng được cải tiến, thu hút được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Với hướng đi đúng đắn, sản xuất theo quy trình nghiêm ngặt nông nghiệp sạch, hữu cơ, từ liên kết sản xuất, đến chế biến, đóng gói sản phẩm, đưa sản phẩm lên các sàn giao dịch điện tử uy tín, HTX Nhung Lũy ngày càng hoạt động hiệu quả, góp phần tăng thu nhập cho các thành viên HTX, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, sản phẩm của HTX đã đến tay khách hàng trong cả nước.
Nhận thấy tiềm năng tỉnh Bắc Kạn còn khá dồi dào, nên HTX nông nghiệp công nghệ cao BK FOODS không chỉ đầu tư sản xuất những sản phẩm đã tạo được thương hiệu, mà còn bắt tay vào sản xuất các sản phẩm đặc sản bản địa như: Măng, trám, trà hoa vàng, chuối… Để nâng cao chất lượng, cũng như chuyên nghiệp hóa trong quá trình sản xuất, HTX đã đầu tư cả tỷ đồng mua dàn máy sấy, máy nghiền công nghệ cao, hiện HTX đi đầu trong công nghệ sấy lạnh các sản phẩm nông sản của tỉnh. Với công nghệ hiện đại, hợp tác xã sẽ cam kết tạo ra các sản phẩm nông sản bản địa chất lượng đáp ứng các tiêu chuẩn tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Chú trọng nâng cao chất lượng, do vậy nhiều sản phẩm của HTX nông nghiệp công nghệ cao BK FOODS (Bạch Thông) đã được cấp giấy chứng nhận đạt OCOP 3 sao như: Trà hoa vàng, trà giảo cổ lam, măng nứa khô, có 02 sản phẩm đạt OCOp 4 sao là tinh bột nghệ và viên nghệ mật ong.
Ông Trần Ngọc Quang, Phó Chủ tịch phụ trách Liên minh HTX tỉnh cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi phối hợp tổ chức, hỗ trợ các HTX tham gia Chương trình OCOP. Định hướng tư vấn nâng cấp, hoàn thiện các sản phẩm theo hướng chuẩn hóa chất lượng; quản lý, giám sát tiêu chuẩn chất lượng. Đặc biệt là đẩy mạnh đầu tư hạ tầng kỹ thuật, thúc đẩy chuyển đổi, đưa sản phẩm OCOP lên các kênh thương mại điện tử bao gồm cả sàn thương mại và mạng xã hội. Các sản phẩm OCOP trong tỉnh được các cấp, các ngành hỗ trợ tham gia hội chợ tại các tỉnh, thành phố, điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh và tỉnh khác”.
Có thể nói, Chương trình OCOP đã tạo động lực cho các HTX mạnh dạn đầu tư phát triển sản phẩm đặc sản bản địa. Các sản phẩm từng bước nâng cao chất lượng và đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của nhiều thị trường. Với bộ tiêu chí đánh giá phân hạng sản phẩm chi tiết, toàn diện cùng hướng dẫn của cơ quan chức năng, các HTX đã nhận ra được điểm yếu, điểm mạnh của từng sản phẩm. Từ đó có những điều chỉnh, đổi mới, hoàn thiện quy trình sản xuất từ khâu liên kết vùng nguyên liệu đến sơ chế, hoàn thiện sản phẩm, đóng gói, mở rộng thị trường tiêu thụ. Đồng thời, đưa ra chiến lược phát triển sản phẩm toàn diện, lâu dài. Từ Chương trình OCOP, nhiều HTX đã phát huy nội lực, đổi mới cả về chất và lượng, khẳng định được vai trò của kinh tế tập thể trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương./.