Kỷ niệm 25 năm Ngày thành lập huyện Chợ Mới (02/9/1998 - 02/9/2023)

Chợ Mới có nhiều khởi sắc nhờ đổi mới trong công tác quản lý điều hành

0:00 / 0:00
0:00
BBK -  Sau 25 năm, từ một huyện nghèo, kinh tế kém phát triển, đến nay Chợ Mới đã trở thành một vùng kinh tế năng động ở cửa ngõ phía Nam của tỉnh Bắc Kạn.
Một góc thị trấn Đồng Tâm.

Một góc thị trấn Đồng Tâm.

Khi mới thành lập, huyện Chợ Mới gặp rất nhiều khó khăn, kinh tế - xã hội kém phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm sản xuất nông – lâm nghiệp nhỏ lẻ, manh mún. Đời sống đại bộ phận Nhân dân còn nghèo, thu nhập bình quân năm 1998 là 1,3 triệu đồng/người/năm; số hộ nghèo đói chiếm 21,6% (theo chuẩn cũ). Kết cấu hạ tầng của huyện còn thấp kém, mạng lưới giao thông nông thôn chưa phát triển. Cơ sở vật chất phục vụ cho công tác dạy và học còn nghèo nàn; đa số phòng học chưa được xây dựng kiên cố, đặc biệt còn 104/271 phòng học làm bằng tranh tre…

Trước tình hình đó các cấp ủy, chính quyền trong huyện đã không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành. Cụ thể hoá các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, chỉ thị của cấp trên, phù hợp với điều kiện cụ thể từng đơn vị, địa phương. Trong đó, huyện tập trung đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội. Chú trọng công khai, đơn giản hóa các thủ tục, quy trình hành chính, phổ biến để Nhân dân hiểu rõ và thực hiện. Tăng cường kỷ luật hành chính và kỷ cương pháp luật. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và công dân, xây dựng môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh phát triển. Phát huy quyền làm chủ và sức sáng tạo của Nhân dân, tạo sự đồng thuận của xã hội.

Sau 25 năm thành lập, kinh tế - xã hội của huyện Chợ Mới có bước phát triển vượt bậc. Cơ cấu ngành chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng khu vực nông - lâm nghiệp giảm từ 58,6% năm 1997 xuống còn 54% năm 2022; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng từ 6,7% năm 1997 lên 10,8% năm 2022; khu vực thương mại - dịch vụ tăng từ 34,7% năm 1997 lên 35,2% năm 2022.

Cơ cấu sản xuất công nghiệp của Chợ Mới tăng, đặc biệt là ngành chế biến gỗ.

Cơ cấu sản xuất công nghiệp của Chợ Mới tăng, đặc biệt là ngành chế biến gỗ.

Quy mô dân số của huyện tăng dần qua các năm, từ gần 38.000 người năm 1998 lên 40.496 người năm 2022. Lực lượng lao động ngày càng tăng về số lượng và chất lượng. Thu nhập bình quân tăng từ 1,3 triệu đồng/người năm 1998 lên 38,7 triệu đồng/người năm 2022.

Toàn huyện hiện có 01 đô thị loại V được đầu tư xây dựng tương đối hoàn chỉnh, đồng bộ hạ tầng giao thông, cấp thoát nước, điện chiếu sáng, trụ sở cơ quan, các công trình y tế, văn hóa, giáo dục, thương mại, dịch vụ công cộng, công trình thể thao… Đáp ứng tiêu chuẩn và chức năng của đô thị là trung tâm huyện lỵ, tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị 60%, tỷ lệ chiếu sáng đô thị đạt 55%. Dự kiến đến hết năm 2023, cả huyện có 5/13 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

25 năm qua, kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, thông tin liên lạc, nước sạch, trường học, trạm y tế, các cơ sở dịch vụ… của huyện Chợ Mới được quan tâm đầu tư. Mạng lưới giao thông vận tải của huyện đã có nhiều chuyển biến rõ nét. Tất cả các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ được cải tạo, bổ sung, nâng cấp với quy mô từ cấp 4 đồng bằng trở lên. Các tuyến đường trục huyện, đường liên xã, đường thôn, xóm cơ bản được nhựa hóa hoặc bê tông hóa.

Đến nay, 100% số xã đã có điện lưới quốc gia; tỷ lệ số hộ sử dụng điện lưới quốc gia đạt 99,3%. Hệ thống thủy lợi được đầu tư tương đối kiên cố. Hạ tầng thương mại của huyện có chuyển biến mạnh. Các loại hình kinh doanh hiện đại ngày càng mở rộng, phát triển đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Toàn huyện hiện có 10 chợ hạng 3, tại các xã, thị trấn hình thành mạng lưới cửa hàng kinh doanh tổng hợp phong phú.

Ngành chế biến nông sản phát triển, giúp tiêu thụ sản phẩm và tăng thu nhập cho người dân.

Ngành chế biến nông sản phát triển, giúp tiêu thụ sản phẩm và tăng thu nhập cho người dân.

Hệ thống hạ tầng cho phát triển văn hóa - xã hội được đầu tư gắn với thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Hiện nay, 7/14 xã, thị trấn có nhà văn hóa, 146/153 thôn, tổ phố có nhà văn hóa thôn. Mạng lưới trường lớp được đầu tư, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của người dân. Hệ thống y tế được đầu tư ở tất cả các cấp với 01 bệnh viện tuyến huyện và 14 xã, thị trấn có trạm y tế. Hạ tầng bưu chính phát triển rộng khắp; mạng lưới viễn thông đã kết nối thông suốt 03 cấp phục vụ tốt công tác chỉ đạo, điều hành của đơn vị, địa phương. 100% xã, thị trấn được phủ sóng di động 3G, 4G.

Đồng chí Hoàng Nguyễn Việt, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đánh giá: Điểm sáng nổi bật nhất trong phát triển kinh tế là huyện có Khu Công nghiệp Thanh Bình đang hoạt động hiệu quả, cùng nhiều cụm công nghiệp đang được đầu tư, xây dựng và quy hoạch. Về nông nghiệp, huyện đã hình thành được các vùng chuyên canh nông – lâm nghiệp theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao; chú trọng phát triển kinh tế tập thể, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.

Các sản phẩm nông sản trên đã tạo thành sản phẩm hàng hoá, người dân đã chủ động trong việc liên kết sản xuất, chế biến, bao tiêu sản phẩm. Đến nay, huyện duy trì được 22 sản phẩm nông sản đạt OCOP 3 sao. Các chương trình giảm nghèo được triển khai thực hiện tốt. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều đến cuối năm 2022 là 18% (theo chuẩn mới), dự kiến năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 17,1%.

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, để thúc đẩy hơn nữa tăng trưởng kinh tế, huyện Chợ Mới sẽ tiếp tục tập trung khai thác thế mạnh về khu, cụm công nghiệp, kinh tế rừng trồng và sản xuất nông sản sạch, an toàn. Quá trình thực hiện, huyện định hướng sử dụng lồng ghép các nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia. Thực hiện các dự án chuỗi liên kết bao tiêu sản phẩm gắn với các cây trồng chủ lực, từ đó tạo thành vùng sản xuất có quy mô lớn hơn, đáp ứng yêu cầu của thị trường./.

Xem thêm