Chợ Mới đưa lịch sử địa phương vào giảng dạy trong các trường học

BBK - Tính đến nay, Chợ Mới là địa phương duy nhất trong toàn tỉnh đã biên soạn, phát hành và đưa cuốn sách “Tập bài giảng tuyên truyền, giáo dục lịch sử huyện Chợ Mới trong các trường học và trên địa bàn huyện” vào giảng dạy.
Giờ học môn Lịch sử của cô và trò Trường Tiểu học Đồng Tâm (Chợ Mới).

Giờ học môn Lịch sử của cô và trò Trường Tiểu học Đồng Tâm (Chợ Mới).

Năm 2019, Huyện ủy Chợ Mới đã ban hành Kế hoạch số 198-KH/HU ngày 27/12/2019 về nghiên cứu, biên soạn cuốn sách “Tập bài giảng tuyên truyền, giáo dục lịch sử huyện Chợ Mới trong các trường học và trên địa bàn huyện”. Sau một thời gian nghiên cứu, sưu tầm tư liệu, tài liệu và tổ chức biên soạn bản thảo, đến đầu năm 2022, tập bài giảng đã được phát hành.

Đồng chí Phạm Thị Tuyết Mai, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Chợ Mới cho biết: Tập bài giảng góp phần trang bị cho học sinh kiến thức, hiểu biết về quá trình hình thành và phát triển của huyện, những nét văn hóa tiêu biểu các dân tộc trong huyện. Đồng thời, tuyên truyền giáo dục truyền thống văn hóa, truyền thống đấu tranh của quê hương cùng những thành tựu đáng tự hào về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội qua các thời kỳ. Qua đó, giáo dục thế hệ trẻ phát huy truyền thống cách mạng, đẩy mạnh việc học tập, xây dựng quê hương, đất nước.

Ngày 25/5/2022, Huyện ủy Chợ Mới đã có Văn bản số 945-CV/HU về việc đưa cuốn sách “Tập bài giảng tuyên truyền, giáo dục Lịch sử huyện Chợ Mới trong các trường học và trên địa bàn huyện” vào chương trình giảng dạy tại các trường học. Trong đó đề nghị UBND huyện Chợ Mới chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo căn cứ vào chương trình học môn lịch sử địa phương của ngành Giáo dục và Đào tạo đưa cuốn sách vào giảng dạy trong chương trình giảng dạy của các trường tiểu học, trung học cơ sở từ năm học 2022 - 2023. Ban hành Văn bản số 941-CV/HU ngày 23/5/2022, đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường THPT trên địa bàn huyện Chợ Mới căn cứ chương trình học lịch sử địa phương của ngành Giáo dục và Đào tạo, đưa cuốn sách vào giảng dạy trong các trường học.

Cô giáo Hà Thị Thúy, Trường Tiểu học Đồng Tâm chia sẻ: Việc đưa lịch sử địa phương vào chương trình giảng dạy tại các trường học giúp học sinh hiểu biết hơn về văn hoá, lịch sử địa phương; có thái độ tích cực, ham mê tìm hiểu các giá trị lịch sử, các di tích và cảnh đẹp của quê hương.

Thầy giáo Nguyễn Viết Khuynh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nông Thịnh cho biết: Thực hiện văn bản chỉ đạo của Phòng Giáo dục và Đào tạo, năm học 2022-2023 nhà trường đã đưa nội dung cuốn sách “Tập bài giảng tuyên truyền, giáo dục lịch sử huyện Chợ Mới trong các trường học và trên địa bàn huyện” vào giảng dạy đối với lớp 4, 5 (phần lịch sử địa phương). Nhà trường chỉ đạo giáo viên xây dựng kế hoạch bài dạy phù hợp với thực tế các khối, lớp học nhằm giáo dục lòng tự hào về văn hoá, lịch sử, truyền thống cách mạng của địa phương, từ đó bồi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước, tạo động lực để các em phấn đấu học tập, tu dưỡng, rèn luyện, có ý thức vươn lên…

Công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử địa phương, đặc biệt cho là thế hệ trẻ luôn được huyện Chợ Mới quan tâm, chỉ đạo triển khai với những phương pháp, cách thức đa dạng, phù hợp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đặc biệt, các nhà trường thông qua cuốn sách “Tập bài giảng tuyên truyền, giáo dục lịch sử huyện Chợ Mới trong các trường học và trên địa bàn huyện” truyền tải đến học sinh một cách hiệu quả nhất kiến thức lịch sử địa phương, góp phần hình thành nhân cách cho học sinh, khơi dậy lòng yêu nước, yêu quê hương, tự hào dân tộc; tinh thần cần cù, dũng cảm, lao động sáng tạo; tinh thần hiếu học, lạc quan, đoàn kết, ý thức gắn kết cộng đồng.../.

Xem thêm