Chợ Mới thu hút đầu tư công nghiệp chế biến gỗ

BBK - Những năm gần đây, huyện Chợ Mới trở thành một địa chỉ hấp dẫn, thu hút nhiều doanh nghiệp đến đầu tư. Trong đó, riêng công nghiệp chế biến lâm sản đang giúp huyện tiêu thụ lượng lớn gỗ rừng trồng, tạo việc làm cho lao động nông thôn.
Hoạt động sản xuất chế biến gỗ của doanh nghiệp ngoài tỉnh đầu tư tại huyện Chợ Mới.

Hoạt động sản xuất chế biến gỗ của doanh nghiệp ngoài tỉnh đầu tư tại huyện Chợ Mới.

Chợ Mới là huyện cửa ngõ phía nam của tỉnh Bắc Kạn. Đây là địa phương có thế mạnh về vị trí địa lý với khả năng kết nối liên tỉnh thông qua tuyến Quốc lộ 3 và đường BOT Thái Nguyên - Chợ Mới. Đồng thời, đây cũng là một trong những địa phương có diện tích rừng trồng lớn nhất của tỉnh, với tổng diện tích trên 20.000ha, là nguồn nguyên liệu dồi dào phục vụ công nghiệp chế biến gỗ. Những lợi thế này giúp Chợ Mới trở thành địa chỉ hấp dẫn các nhà đầu tư.

Với phương châm “rộng cửa đón nhà đầu tư”, UBND huyện Chợ Mới luôn nêu cao tinh thần cầu thị, chú trọng cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, cởi mở, nhất là cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo công khai, minh bạch theo hướng có lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Ông Hoàng Nguyễn Việt, Chủ tịch UBND huyện cho biết: "Bên cạnh công tác quy hoạch, huyện phối hợp với các sở, ngành tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư tiếp cận, khảo sát nghiên cứu lập dự án đầu tư".

Huyện Chợ Mới hiện có hàng trăm doanh nghiệp, HTX, hộ cá thể quan tâm đầu tư vào lĩnh vực chế biến gỗ. Qua đó tạo được việc làm tại chỗ cho người lao động địa phương, giúp tiêu thụ, chế biến sâu sản lượng lớn gỗ rừng trồng. Làn sóng đầu tư vào công nghiệp chế biến gỗ đã tác động tích cực đến đời sống người dân, giúp ổn định an ninh chính trị tại địa phương.

Riêng tại địa bàn xã Quảng Chu, theo thống kê hiện có 13 doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh cá thể đầu tư xây dựng nhà xưởng và đi vào sản xuất. Lĩnh vực đầu tư của các doanh nghiệp chủ yếu là chế biến gỗ ván dán. Tiêu biểu như Công ty TNHH gỗ Dương Thành đầu tư nhà xưởng tại thôn Đèo Vai 2, chuyên bóc và sản xuất gỗ ván dán. Sau khoảng 2 năm hoạt động, công ty thu hút khoảng 50 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân từ 5-7 triệu đồng/người/tháng. Anh Ngô Văn Sung, một công nhân là người địa phương cho biết: Từ khi các doanh nghiệp về mở cơ sở đầu tư sản xuất tại thôn, bà con rất mừng vì không phải đi làm xa ngoài tỉnh nữa mà vẫn có nguồn thu nhập ổn định để phục vụ cuộc sống.

Tại thôn Làng Chẽ, Công ty TNHH Minh Ngọc cũng đầu tư nhà xưởng quy mô để sản xuất ván ép, thu hút khoảng 40 lao động tại chỗ, mức thu nhập bình quân từ 8 -9 triệu đồng/người/tháng. Ông Nguyễn Đắc Cảnh, Giám đốc công ty cho hay: Trước đây, doanh nghiệp ông làm ăn tại Gia Lâm (Hà Nội). Nhận thấy huyện Chợ Mới có giao thông thuận lợi, quỹ đất rộng, nguồn nguyên liệu trữ lượng lớn và lực lượng lao động dồi dào nên ông đã lên xã Quảng Chu để đầu tư mở cơ sở sản xuất. Thời gian tới, công ty mong muốn được cấp thêm đất để mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh.

Chính quyền huyện Chợ Mới luôn quan tâm hỗ trợ nhà đầu tư.

Chính quyền huyện Chợ Mới luôn quan tâm hỗ trợ nhà đầu tư.

Ông Hoàng Nguyễn Việt, Chủ tịch UBND huyện cho biết thêm: Thời gian tới, huyện sẽ tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp trên địa bàn Chợ Mới. Từ đó có thêm cơ chế chính sách thu hút, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào hoạt động trên địa bàn, giúp tăng thu ngân sách và tạo việc làm cho lao động địa phương./.

Xem thêm