Ngay tại các khu vực đầu nguồn mực nước trên các sông, suối xuống rất thấp so với trước đây, cộng với hoạt động tích nước của các nhà máy thủy điện vào thời điểm mùa khô này nên đã tác động, ảnh hưởng đến lưu lượng dòng chảy và hoạt động sản xuất của người dân vùng hạ lưu. Vấn đề này cần phải được tính toán, điều chỉnh kịp thời để ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm hài hòa giữa lợi ích kinh tế và môi trường trong phát triển năng lượng thủy điện tại tỉnh Bắc Kạn hiện tại và trong tương lai.
Dòng sông Cầu đoạn Thác Giềng bên dưới Nhà máy Thủy điện Thác Giềng 1 lúc 8h30 phút ngày 10/4/2023. Thời điểm Nhà máy Thủy điện tích nước luôn trong tình trạng trơ đáy. |
Hệ thống quan trắc của trạm thủy văn “đắp chiếu”
Được thành lập từ năm 1961, đến năm 2015 Trạm Thủy văn Thác Giềng, phường Xuất Hoá (TP. Bắc Kạn) được đầu tư xây dựng lại và nâng cấp lên thành trạm thủy văn cấp 3. Năm 2017 đưa vào vận hành sử dụng, chủ trương tiếp tục sẽ đầu tư để nâng cấp lên quy mô trạm cấp 2. Với tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị tự động gần 10 tỷ đồng gồm máy đo lưu lượng, mực nước tự động, máy đo mưa và hệ thống truyền số liệu tự động.
Đây là trạm khí tượng thủy văn hiện đại hoá đầu tiên của tỉnh Bắc Kạn cũng như toàn khu vực Việt Bắc do Đài Khí tượng thủy văn khu vực Việt Bắc quản lý. Mục đích của Trạm để quan trắc, đo lưu lượng dòng chảy sông Cầu, lượng mưa tại khu vực phục vụ cho công tác dự báo phòng tránh thiên tai, cung cấp dữ liệu cho kinh tế, xây dựng cơ bản, an ninh, quốc phòng.
Năm 2021, Công trình Thủy điện Thác Giềng 1 đi vào hoạt động (công trình này cách Trạm Thủy văn Thác Giềng chỉ khoảng hơn 1km, cùng trên hệ thống dòng chảy của sông Cầu). Việc tích, xả nước của nhà máy đã ảnh hưởng trực tiếp đến chế độ dòng chảy tự nhiên của sông Cầu đoạn Thác Giềng, khiến toàn bộ hệ thống quan trắc đầu tư trang thiết bị tự động của Trạm đã phải “đắp chiếu” gần 02 năm nay. Hiện nay, Trạm chỉ thực hiện duy nhất nhiệm vụ đo lưu lượng mưa tại khu vực này. Trước đây Trạm có 04 cán bộ, nay đã phải chuyển đi một nửa bởi không có việc để làm. Còn lại 02 cán bộ thay phiên nhau trực thực hiện nhiệm vụ theo dõi lượng mưa và đo mực nước lên xuống hằng ngày bằng phương pháp thủ công (thước cầm tay).
Trạm trưởng Trạm Thủy văn Thác Giềng Nguyễn Hoàng Hải cho biết: “Qua theo dõi những tháng mùa khô (bắt đầu từ tháng 11 năm trước đến hết tháng 4 năm sau), đặc biệt là 02 năm trở lại đây mực nước sông Cầu đoạn đặt thiết bị quan trắc luôn trong tình trạng mực nước xuống rất thấp, nhiều chỗ trơ đáy, nhất là thời điểm nhà máy thủy điện tích nước. Ngay giữa lòng sông mà mực nước chỉ đến bọng chân, lội qua dễ dàng.
Do không đo được mực nước tự nhiên nên về mặt khoa học các số liệu quan trắc lưu lượng dòng chảy sông Cầu của Trạm trong vòng 60 năm trở lại đây phục vụ cho công tác dự báo, an ninh, kinh tế, xây dựng cơ bản không còn tác dụng. Khi nhà máy thủy điện tích nước, dòng chảy đứng im, thả chiếc lá trên bề mặt nước cũng không trôi. Thời gian tích nước mùa khô khá dài khoảng 17-18 tiếng. Khi nhà máy phát điện mới xả nước thì mực nước dâng cao khoảng 1m so với thời điểm tích nước, nhưng chỉ trong khoảng thời gian khá ngắn (3-4 giờ/ngày) vào khung giờ cao điểm từ 9h30 phút - 10h30 phút và từ 17h - 20h hằng ngày. Khi nhà máy tích nước, sông Cầu ở đoạn này trở về trạng thái không có dòng chảy”.
Mực nước tại Trạm Thủy văn Thác Giềng luôn trong tình trạng mực nước "chết". |
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bắc Kạn nêu quan điểm: “Vì sự phát triển của lĩnh vực năng lượng phục vụ phát triển đất nước, ngành Khí tượng thủy văn luôn sống chung với thủy điện. Tuy nhiên, với việc một nhà máy thủy điện làm sau đặt ngay trên trạm thủy văn như tại khu vực Thác Giềng là không hợp lý, khiến hoạt động quan trắc tại đây không còn tác dụng, bị vô hiệu hoá. Cơ quan khí tượng thủy văn yêu cầu tỉnh Bắc Kạn có phương án chỉ đạo di dời toàn bộ trang thiết bị của Trạm, đầu tư xây dựng lại nhà làm việc tại vị trí khác để có thể phát huy được hiệu quả quan trắc, tránh lãng phí tiền của Nhà nước đã đầu tư cho Trạm cả chục tỷ đồng”.
Hạn chế tối đa sự ảnh hưởng từ hoạt động thủy điện
Trong thời gian gần đây, người dân một số địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp từ hoạt động thủy điện đã có nhiều kiến nghị như: Thủy điện Pác Cáp (Na Rì) có vùng ngập nước rộng gây ảnh hưởng tới đi lại của Nhân dân và cả vấn đề đền bù, giải tỏa mặt bằng, mất sinh kế khi đất sản xuất ngập nước. Trong quá trình thi công dự án này, Công ty Cổ phần thủy điện Sử Pán 1 còn tự ý tác động hơn 3,3ha đất rừng sản xuất mà chưa được cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, chuyển đổi. Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã xử phạt hành chính công ty 30 triệu đồng, buộc khôi phục lại tình trạng của diện tích đất rừng sản xuất trước khi vi phạm.
Hồ thủy điện tích nước của Nhà máy Thủy điện Thác Giềng 1. |
Cùng với sự tác động của biến đổi khí hậu kết hợp với hoạt động tích nước của nhà máy thủy điện Thác Giềng 1 đã khiến 05ha đất sản xuất lúa của các hộ dân thôn Bản Giác, xã Hoà Mục, huyện Chợ Mới (vùng hạ lưu cách nhà máy này khoảng 5km). Diện tích sản xuất này trước đây lấy nước trực tiếp từ kênh dẫn từ sông Cầu, nhưng nay người dân đã phải chuyển 2ha sang trồng cây màu. Số diện tích trồng lúa người dân phải khắc phục bằng cách dùng máy bơm, bơm nước trực tiếp từ lòng sông lên- lãnh đạo xã Hoà Mục (Chợ Mới) cho biết.
Theo quy định, việc các nhà máy thủy điện tích và xả nước đều phải thực hiện đúng theo quy trình vận hành theo quyết định đã được UBND tỉnh phê duyệt, trong đó có quy định về xả thải môi trường. Nghĩa là bảo đảm tích nước nhưng vẫn phải xả ra môi trường để duy trì dòng chảy tối thiểu. Ví dụ, đối với Nhà máy Thủy điện Nậm Cắt là 0,5m3/giây và đối với Nhà máy Thủy điện Thác Giềng 1 là 0,3m3/giây. Tuy nhiên cần có sự giám sát chặt chẽ việc xả ra môi trường của các nhà máy này.
Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Trong thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương có liên quan, thường xuyên giám sát, đôn đốc các nhà máy thuỷ điện trong quá trình vận hành phải bảo đảm ổn định dòng chảy và bảo vệ môi trường nguồn nước nói chung và đặc biệt với dòng sông Cầu nói riêng theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Một trong những ý kiến đề xuất mà cơ quan khí tượng thủy văn đưa ra đó là cần thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, có những cuộc kiểm tra bất ngờ hoạt động của các nhà máy thủy điện đối với việc tuân thủ quy định về tích, xả nước, xả nước môi trường.
Có thể nhận thấy, việc phát triển thủy điện với quy mô nhỏ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn trong thời gian vừa qua đã góp phần hoà vào lưới điện quốc gia, cung cấp được khoảng 25% sản lượng điện tiêu thụ trên địa bàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, việc xây đập, khai thác lòng sông của công trình thủy điện cùng với những biến đổi của khí hậu đã tạo nên sự tác động về môi trường, đất canh tác của người dân tuy mức độ không quá nghiêm trọng. Tình trạng này cần sớm được khắc phục, các nhà máy cần tuân thủ nghiêm các quy định trong quá trình vận hành trên quan điểm nhất định không bằng mọi giá đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Giải pháp về lâu dài theo xu thế chung của toàn cầu, Bắc Kạn đang khảo sát tiềm năng về năng lượng tái tạo cho sản xuất điện như năng lượng gió để bổ sung vào quy hoạch trong thời gian tới, thận trọng hơn trong triển khai các dự án thủy điện./. (Hết)