Xin chúc mừng ông vừa được Quốc hội tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Quốc hội. Ông có thể cho biết cảm nghĩ của mình khi nhận trọng trách mới?
- Trước hết xin cảm ơn nhà báo về lời chúc mừng dành cho tôi. Qua đây, một lần nữa tôi xin gửi lời cảm ơn các vị đại biểu Quốc hội đã tin cậy giao cho tôi giữ chức Chủ tịch Quốc hội.
Nhận trọng trách này, thú thật, tôi vừa mừng, vừa lo. Mừng thì ít mà lo thì nhiều; vì với cá nhân tôi, đây là nhiệm vụ mới mẻ và nặng nề. Những kinh nghiệm quý báu trong hoạt động của Quốc hội thời gian qua, trong đó có phần đóng góp quan trọng của đồng chí Nguyễn Văn An, vị Chủ tịch Quốc hội tiền nhiệm và các đồng chí Chủ tịch Quốc hội khóa trước, sẽ là vốn quý cho tôi trong quá trình hoạt động ở Quốc hội thời gian tới. Với sự cộng tác, giúp sức nhiệt tình của các đồng chí trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội, sự ủng hộ của Chính phủ, các cơ quan hữu quan và sự giám sát chặt chẽ của cử tri và đồng bào cả nước, tôi sẽ cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
- Thưa ông, trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ, Quốc hội khóa XI tập trung giải quyết những công việc gì?
- Tôi được biết Quốc hội đã có chương trình hoạt động toàn khóa; tôi sẽ theo đó để cùng với các đồng chí trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo thực hiện. Xin nhấn mạnh thêm là: Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Ðảng vừa thành công tốt đẹp. Ðại hội đã khẳng định quyết tâm của toàn Ðảng, toàn dân ta là tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, sớm đưa đất nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Ðại hội X chỉ ra là phải phát huy dân chủ, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Quốc hội với tư cách là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, có vai trò to lớn trong việc thực hiện nhiệm vụ này. Quốc hội khóa XI sẽ tập trung thực hiện một số công việc chủ yếu sau:
- Ðẩy mạnh công tác xây dựng pháp luật theo hướng nâng cao chất lượng và bảo đảm số lượng theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh mà Quốc hội đã đề ra cho cả nhiệm kỳ. Ðồng thời khẩn trương chuẩn bị để trình Quốc hội khóa mới quyết định chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2007 và cả nhiệm kỳ. Việc ban hành luật là quan trọng, song điều quan trọng hơn là giải thích, hướng dẫn, tuyên truyền phổ biến, giáo dục và thực thi pháp luật.
- Tăng cường hoạt động giám sát tối cao, quan tâm việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, bảo đảm đạt được kết quả theo Nghị quyết của Quốc hội. Hoạt động giám sát tập trung vào những vấn đề bức xúc mà nhân dân quan tâm. Thông qua giám sát, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội góp phần cùng các ngành, các cấp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, có những cơ chế, chính sách hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2006 và những năm tiếp theo.
- Tiếp tục đổi mới và thực hiện chức năng quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước. Quốc hội và các đại biểu Quốc hội trên cơ sở những nguồn thông tin đầy đủ, phát huy trí tuệ, đầu tư công sức, thảo luận dân chủ, tìm phương án tối ưu, quyết định một cách đúng đắn các vấn đề về kế hoạch và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, các chương trình quốc gia, các dự án đầu tư lớn, các vấn đề về tổ chức bộ máy và nhân sự nhà nước, cũng như các vấn đề quan trọng khác.
- Tiến hành tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI, chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII vào năm 2007. Ðây là dịp để Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội rà soát về tổ chức, phương thức hoạt động, đánh giá những việc làm được, chưa làm được, rút ra bài học kinh nghiệm và kiến nghị Quốc hội khóa mới về những biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong thời gian tới.
- Như ông vừa cho biết, Quốc hội sẽ tăng cường hoạt động giám sát tối cao. Theo ông, cần có những biện pháp gì để triển khai tốt công việc này?
- Giám sát tối cao là một chức năng cơ bản của Quốc hội. Thời gian qua, Quốc hội đã có nhiều cố gắng thực hiện chức năng này. Các hình thức, phương pháp giám sát được triển khai đã đưa lại kết quả, góp phần vào việc thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu của công cuộc đổi mới, tăng cường hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Hoạt động giám sát, đặc biệt là hoạt động chất vấn và giám sát chuyên đề đã có tác động thúc đẩy và xây dựng đối với Chính phủ, các bộ, các ngành, các cơ quan của Chính phủ, góp phần tạo nên những chuyển biến mới trong công tác điều hành, chỉ đạo, đồng thời làm cho sinh hoạt của Quốc hội trở nên sôi động, thiết thực hơn.
Ðể nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, ngoài quyết tâm cao, cần có phương pháp, công cụ, hình thức giám sát thích hợp; bảo đảm có được những thông tin phản hồi kịp thời, chính xác về việc thực thi pháp luật, hiệu quả của việc áp dụng các chính sách vào thực tế, những nhu cầu bức xúc của cuộc sống cần được điều chỉnh. Xây dựng kế hoạch giám sát theo hướng tăng cường giám sát ngân sách và thực thi công vụ của các chức danh nhà nước; đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong việc sử dụng ngân sách nhà nước; nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.
Nghiên cứu, sớm hình thành cơ chế xem xét, giải quyết kiến nghị sau giám sát. Tăng cường công tác tuyên truyền và nghiên cứu hoàn thiện phương thức hoạt động giám sát phù hợp, nâng cao kỹ năng giám sát của các đại biểu Quốc hội. Tăng cường sự phối hợp giữa Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân để phát huy vai trò của nhân dân trong việc giám sát hoạt động của bộ máy công quyền.
Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch Quốc hội.