Công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường còn nhiều khó khăn

Năm 2012 rất nhiều khó khăn, bất cập trong công tác quản lý tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh. Nạn khai thác khoáng sản trái phép bùng phát khiến môi trường nhiều nơi bị ô nhiễm nặng nề. Sự vào cuộc quyết liệt của tỉnh đã hạn chế cơ bản tình trạng này, tuy nhiên những bài học về giải pháp quản lý thì vẫn luôn là vấn đề “nóng”.

Năm 2012 rất nhiều khó khăn, bất cập trong công tác quản lý tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh. Nạn khai thác khoáng sản trái phép bùng phát khiến môi trường nhiều nơi bị ô nhiễm nặng nề. Sự vào cuộc quyết liệt của tỉnh đã hạn chế cơ bản tình trạng này, tuy nhiên những bài học về giải pháp quản lý thì vẫn luôn là vấn đề “nóng”.

Những điểm sáng


Trong năm 2012, UBND tỉnh đã có những chỉ đạo quyết liệt đối với các cấp, ngành, địa phương để thực hiện tốt công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Sự nhất quán trong chủ trương thực hiện đã góp phần đưa công tác này đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trên lĩnh vực quản lý đất đai, đo đạc bản đồ, ngành Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên toàn tỉnh; Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, thị xã cơ bản đã thực hiện xong. Đã có 199.962 giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp cho 197.422 hộ gia đình và 2.540 đơn vị, tổ chức, số diện tích đã cấp là 16.301,02ha. Công tác đo đạc bản đồ địa chính, gắn với cấp giấy chứng nhận tại 29 xã, phường, thị trấn đên địa bàn các huyện Chợ Đồn, Chợ Mới, Ba Bể, Bạch Thông, Ngân Sơn, Na Rì và thị xã Bắc Kạn đến nay đã xong phần đo đạc bản đồ.


Trên lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, nước, khí tượng thuỷ văn, UBND tỉnh đã cấp 1 Giấy phép khai thác mỏ chì kẽm Nà Duồng (Chợ Đồn); 5 Quyết định thu hồi giấy phép; 8 Quyết định phê duyệt trữ lượng , phê duyệt 2 đề án đóng cửa mỏ; 5 hồ sơ phê duyệt trữ lượng. Ngành chức năng đã thẩm định 4 hồ sơ khai thác khoáng sản; 4 đề án đóng cửa mỏ; kiểm tra nghiệm thu kết quả đóng cửa 8 mỏ; ban hành 5 văn bản bàn giao mỏ cho địa phương quản lý.


Trong quản lý tài nguyên nước, các đơn vị đã tiếp nhận 18 hồ sơ, trình UBND tỉnh cấp 1 Giấy phép thăm dò nước dưới đất, 1 giấy phép khai thác nước dưới đất, 6 giấy phép khai thác sử dụng nước mặt, 6 hồ sơ xả nước thải vào nguồn nước. Quy hoạch tài nguyên nước cũng đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1794/QĐ-UBND ngày 31/10/2012. Tỉnh cũng phê duyệt “Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2011-2020”.

Hiện trường vụ khai thác quặng sắt trái phép tại xã Nghĩa Tá.
Hiện trường vụ khai thác quặng sắt trái phép tại xã Nghĩa Tá.


Đối với công tác bảo vệ môi trường, ngành chức năng đã tham mưu thẩm định và phê duyệt được 12 báo cáo đánh giá tác động môi trường, 1 báo cáo đánh giá môi trường chiến lược; cấp sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại cho 64 cơ sở sản xuất kinh doanh; thẩm định và phê duyệt 16 hồ sơ dự án ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường; kiểm tra cấp giấy xác nhận hoàn thành các nội dung cải tạo phục hồi môi trường cho 2 dự án; kiểm tra xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường cho 3 dự án.


Ngành Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 56 cuộc trên 76 đơn vị được thanh tra, kiểm tra. Qua thanh tra, kiểm tra, đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với 22 tổ chức và 1 cá nhân vi phạm; ban hành 31 quyết định xử phạt với tổng số tiền phạt hơn 261 triệu đồng. Ngoài ra đã ra quyết định thu hồi số tiền 113 triệu đồng buộc khắc phục hậu quả sai phạm trong sử dụng đất (Thu hồi lợi ích có được do vi phạm về đất đai theo Nghị định số 105/2009/NĐ-CP của Chính phủ ngày 11/11/2009 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai). Ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành 7 quyết định thu hồi đất của các tổ chức được nhà nước giao quyền sử dụng đất nhưng sử dụng không có hiệu quả, hoặc hết nhu cầu sử dụng với tổng diện tích là 38.411.514,5m2.

Còn tồn tại nhiều bất cập


Trong năm qua, rất nhiều điểm nóng về khai thác khoáng sản trái phép đã được phát hiện và xử lý dù rằng có phần đã muộn. Cụ thể như vụ việc khai thác quặng sắt trái phép tại thôn Nà Lếch, xã Nghĩa Tá (Chợ Đồn) trên diện tích đất khoảng 6ha đã diễn ra trong một thời gian dài. Nạn khai thác vàng sa khoáng diễn biến đặc biệt phức tạp tại địa bàn Ngân Sơn, kéo sang địa bàn Na Rì với hàng trăm máy móc đào ngày đêm biến nhiều vùng đất rộng ở hai huyện thành bình địa; đồng ruộng thành hố hầm sâu, biến dòng sông đỏ ngầu đục quánh. Đặc biệt, có những mỏ vàng lớn như Pác Lạng (Ngân Sơn), UBND huyện thuê hẳn một công ty bảo vệ. Tuy nhiên, chính công ty bảo vệ này lại bắt tay với đơn vị hỗ trợ tiền thuê cho UBND huyện là Công ty Cổ phần Khoáng sản Bắc Kạn tự ý cho các cổ đông (đóng góp tự nguyện) vào trông mỏ nhưng thực chất là khai thác trái phép gây nhiều bức xúc trong nhân dân…Việc lập qui hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản của tỉnh, thực hiện khó khăn, vướng mắc do Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa công bố khu vực khoáng sản phân tán nhỏ lẻ của tỉnh Bắc Kạn. Hơn nữa, một số cấp chính quyền còn thiếu quyết liệt trong chỉ đạo xử lý dứt điểm.


Công tác thu hồi và giao đất còn gặp vướng mắc khi hỗ trợ đối với các trường hợp không nằm trong chỉ giới thu hồi đất để thực hiện các dự án giao thông. Hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đồng loạt cho các chủ sử dụng đất còn nhiều dự án thành phần kéo dài… Các tổ chức hành nghề khoan nước dưới đất, các tổ chức khai thác, sử dụng nước trong sản xuất nông nghiệp không thực hiện việc lập hồ sơ cấp phép do không đủ trình độ chuyên môn theo quy định. Lĩnh vực khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu là lĩnh vực mới, nhận thức của một số cán bộ và nhân dân về lĩnh vực này còn hạn chế, khó khăn cho công tác triển khai.


Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác quản lý bảo vệ môi trường còn thiếu, không đồng bộ, cả tỉnh chưa có trạm quan trắc nào, chưa có thiết bị phục vụ cho công việc quan trắc môi trường. Mặc dù tỉnh đã quan tâm chỉ đạo nhưng các huyện đều chưa có bãi rác được xây dựng theo quy định. Nhiều điểm bị ô nhiễm cục bộ xuất hiện.


Tăng cường các giải pháp trong năm 2013


Chỉ thị 08 của Tỉnh ủy về ngăn chặn, xử lý hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến khoáng sản, lâm sản trái phép gây hủy hoại môi trường trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn là một sự vào cuộc cần thiết của cấp ủy Đảng và chính quyền trong năm qua. Từ đó, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép đã bước đầu bị chặn đứng. Tuy nhiên, giá trị kinh tế mang lại từ khai thác khoáng sản trái phép lớn sẽ tiếp tục đặt ra nhiều thách thức trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường trong năm 2013.


Để thực hiện tốt công tác này cần sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương và kể cả mỗi người dân. Trước hết, phải xây dựng và tiến hành một số nội dung như: Kế hoạch bảo vệ khoáng sản chưa khai thác của tỉnh năm 2013; Quy định quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn; Lập kế hoạch năm 2014 về đấu giá quyền khai thác khoáng sản; Triển khai Dự án Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản của tỉnh giai đoạn đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020. Song song với đó cần tiếp tục mạnh tay trong xử lý các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép.


Các đơn vị cần thực hiện tốt việc thẩm định hồ sơ cấp phép thăm dò, khai thác, hồ sơ phê duyệt trữ lương, đóng của mỏ; hồ sơ cấp phép khai thác sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, hành nghề khoan nước dưới đất thuộc thẩm quyền; triển khai quy hoạch tài nguyên nước, kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu.


Có thể nói, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cũng như quy hoạch, kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường của tỉnh đã tương đối hoàn thiện. Vấn đề còn lại là các cấp, địa phương cần nỗ lực thực hiện thật tốt để phát huy nguồn tài nguyên sẵn có đưa kinh tế tỉnh đi lên nhưng vẫn bảo đảm một môi trường sống trong lành trong năm 2013 và những năm về sau./.

Tuấn Sơn

Xem thêm