Cú lội ngược dòng của lực lượng cánh tả tại Pháp

BBK- Vòng 2 cuộc bầu cử Quốc hội sớm tại Pháp đã có sự đảo chiều bất ngờ, khi khối chính trị dẫn đầu không phải là đảng Tập hợp Quốc gia (RN) và các đồng minh, mà là liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân Mới (NFP). Thắng lợi này đã đưa NFP trở thành lực lượng chính trị lớn nhất, trong khi phe cực hữu không còn cơ hội nắm chính phủ. Tuy nhiên, với 3 khối có số ghế không chênh nhau quá nhiều trong cơ quan lập pháp, chính trường Pháp lộ rõ sự phân cực và tiềm ẩn nhiều yếu tố khó đoán định.

img-0423-6110-8388.jpeg
Không có liên minh nào giành được đa số quá bán để có thể đề cử đại diện làm thủ tướng. Chính trường Pháp sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. (Nguồn: Ảnh chụp từ màn hình kênh TF1)

Khác với dự đoán của giới phân tích và các cuộc thăm dò ý kiến cử tri, kết quả kiểm phiếu sơ bộ vòng 2 cuộc bầu cử Quốc hội (Hạ viện) Pháp cho thấy, với khoảng 184-186 đại biểu so với 149 ghế của Quốc hội sắp mãn nhiệm, liên minh NFP chiếm vị trí dẫn đầu. Thắng lớn ở vòng 1, nhưng đảng RN và đồng minh chỉ được từ 141 đến 143 ghế, đứng ở vị trí thứ ba. Ðứng giữa hai lực lượng này là liên minh “Cùng nhau” (Ensemble) của Tổng thống Emmanuel Macron, tuy nhiên đã mất đa số tương đối và chỉ được từ 160 đến 162 đại biểu so với con số 254 ghế nhiệm kỳ trước.

Thất bại nằm ngoài mọi dự đoán của phe cực hữu cho thấy chiến lược rút lui của “Mặt trận Cộng hòa”, mà nòng cốt là lực lượng cánh tả và phe của Tổng thống Macron, đã phát huy hiệu quả. Các thông điệp và hướng dẫn bầu cử của các đảng này đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của cử tri. Trước đó, NFP đã rút 130 ứng cử viên và liên minh “Cùng nhau” rút 80 ứng cử viên khỏi các khu vực bầu cử mà phe cực hữu có ưu thế, nhằm tạo cơ hội thêm điểm cho các đảng còn lại. Liên minh trung dung của Tổng thống Macron đã hợp tác với liên minh cánh tả nhằm ngăn chặn lực lượng cực hữu chiếm đa số tuyệt đối tại Quốc hội. Tuy thất bại nhưng với số ghế giành được, liên minh của Tổng thống Macron vẫn được hưởng lợi lớn từ Mặt trận Cộng hòa. Vị trí thứ hai đủ để bảo đảm cho phe này trở thành lực lượng không thể bỏ qua trong bất cứ cuộc đàm phán chính trị nào.

NFP được tập hợp từ các đảng cánh tả gồm: Nước Pháp Bất khuất (LFI), Xã hội (PS), Cộng sản Pháp (PCF), Xanh Sinh thái châu Âu (EELV) và Chống tư bản mới (NPA). Mấu chốt trong chương trình hành động của NFP là đoạn tuyệt với cái cũ sau đúng 15 ngày cầm quyền đầu tiên. Ðể thu hút cử tri, NFP đã đưa ra rất nhiều đề xuất. Ðầu tiên là các dự án “công bằng xã hội”, bao gồm việc giới hạn giá trần với hàng hóa thiết yếu như thực phẩm, năng lượng và nhiên liệu. Tiếp đến là bãi bỏ cải cách bảo hiểm thất nghiệp và cải cách hưu trí, tạm dừng các dự án cơ sở hạ tầng lớn, giải cứu các bệnh viện công và áp dụng giáo dục hoàn toàn miễn phí.

Sau 15 ngày đầu tiên, liên minh cánh tả sẽ bước vào giai đoạn thứ hai, được thực hiện trong 100 ngày tiếp theo, mà mấu chốt là các “luật lớn” về sức mua, y tế và giáo dục, quy hoạch sinh thái, tập trung sản xuất năng lượng tái tạo. Ở giai đoạn thứ ba và dài hạn, NFP thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang “nền Cộng hòa thứ sáu” và tái công nghiệp hóa nước Pháp.

Trong khi đó, phe cực hữu đã đưa ra một chương trình vận động tranh cử thực dụng và “mị dân”. RN cũng kêu gọi bỏ phiếu để ngăn chặn phe của Tổng thống và hướng tới một đa số tuyệt đối trong Quốc hội mới.

Do không có lực lượng chính trị nào giành được ít nhất 289 ghế để tạo thành đa số tuyệt đối tại Quốc hội khóa mới, Tổng thống Emmanuel Macron sẽ không bị buộc từ chức hay phải chọn Thủ tướng từ phe đa số mạnh nhất, tức là NFP. Thủ tướng Gabriel Attal tuyên bố sẽ gửi đơn từ chức tới Tổng thống Macron.

Liên minh cánh tả NFP đã có “cú lội ngược dòng” khi giành thắng lợi trước đảng cực hữu RN. Tuy nhiên, “thế trận” phân cực trên chính trường như hiện nay, Tổng thống Macron cùng Quốc hội và Chính phủ mới tại Pháp được dự báo sẽ không dễ dàng làm việc cùng nhau. Nhiều ý kiến cho rằng, nước Pháp cần một thỏa thuận để bảo đảm có một chính phủ ổn định.

Xem thêm