Dân vận khéo để huy động sức dân

BBK - “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Thực hiện lời dạy của Bác, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã tích cực xây dựng, triển khai các mô hình “Dân vận khéo” để huy động sức dân trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là xây dựng nông thôn mới.
Đồng chí Ma Từ Đông Điền, Ủy viên BTV, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh tham quan mô hình dân vận khéo “Tuyên truyền vận động Nhân dân tham gia bảo tồn, phát huy giá trị nghề dệt thủ công truyền thống dân tộc Tày” tại thôn Pác Ngòi, xã Nam Mẫu (Ba Bể).

Đồng chí Ma Từ Đông Điền, Ủy viên BTV, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh tham quan mô hình dân vận khéo “Tuyên truyền vận động Nhân dân tham gia bảo tồn, phát huy giá trị nghề dệt thủ công truyền thống dân tộc Tày” tại thôn Pác Ngòi, xã Nam Mẫu (Ba Bể).

Mô hình “Vận động Nhân dân phát triển kinh tế hộ gia đình bằng cách nuôi ong lấy mật theo chuỗi giá trị” của anh Hoàng Văn Toàn ở thôn Nà Ngăm, xã Dương Sơn (Na Rì) là một ví dụ điển hình. Năm 2017, nhận thấy các hộ nuôi ong nhỏ lẻ không khai thác triệt để được nguồn mật hoa, có hộ khai thác không đủ bán, nhưng có hộ lại không tiếp cận được khách hàng, nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Do vậy, anh Hoàng Văn Toàn đã vận động các đoàn viên, thanh niên cùng ý tưởng và sở thích thành lập nhóm nuôi ong mật với 34 thành viên tại 4 xã Dương Sơn, Xuân Dương, Trần Phú, Cư Lễ.

Đến tháng 7/2017 nhóm phát triển thành HTX Hương Rừng. Đến nay, HTX có 01 văn phòng và nhà xưởng, gồm 24 thành viên HTX và 10 thanh niên trong nhóm có sở thích nuôi ong mật. HTX hiện có tổng 645 đàn ong giống, trong đó thành viên chính thức có 345 đàn, thành viên liên kết có 300 đàn. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc hỗ trợ các đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tham gia phát triển nuôi ong lấy mật.

Anh Hoàng Văn Toàn, Giám đốc HTX Hương Rừng cho biết: “Khi tập hợp được nhiều thành viên, phát huy được sức mạnh tập thể, chúng tôi đã đưa ra được nhiều giải pháp để HTX hoạt động ngày càng hiệu quả. Và hơn hết, bản thân mình lúc nào cũng phải tiên phong, gương mẫu, bởi tôi hiểu chỉ có người thật, việc thật mới thuyết phục được các đoàn viên, thanh niên và bà con nhân dân một cách nhanh nhất”.

Thành viên của HTX Hương Rừng (Na Rì) chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc ong và vận động đoàn viên, thanh niên tham gia.

Thành viên của HTX Hương Rừng (Na Rì) chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc ong và vận động đoàn viên, thanh niên tham gia.

Thành viên của HTX Hương Rừng (Na Rì) chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc ong và vận động đoàn viên, thanh niên tham gia.HTX Hương Rừng mở rộng theo hướng sản xuất lớn hiệu quả cao, sản phẩm hàng hóa có chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, thực hiện liên kết giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm. Tiên phong ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý sản xuất, truy xuất nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu và khai thác kênh bán hàng trực tuyến. HTX cũng tích cực tham gia các hoạt động quảng bá giới thiệu sản phẩm tại Hà Nội, Nam Định, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Bắc Kạn... Hiện nay sản phẩm mật ong của HTX được bán ở các cửa hàng sản phẩm OCOP trong tỉnh và tỉnh Thái Nguyên. Ngoài nuôi ong lấy mật, một số thành viên còn nuôi trâu vỗ béo, trâu sinh sản, lợn thịt; trồng, chăm sóc và khai thác rừng trồng.

Đồng chí Phạm Hồng Thái, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Na Rì cho biết: Từ sự năng động, nhiệt tình của các thành viên, HTX Hương Rừng đã vận động, thu hút ngày càng nhiều đoàn viên, thanh niên tham gia. Qua đó tạo môi trường cho thanh niên học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đây cũng là một trong 30 điển hình “Dân vận khéo” của tỉnh giai đoạn 2020-2022 được biểu dương vào tháng 10/2022.

Theo số liệu của Ban Dân vận Tỉnh ủy, năm 2022, toàn tỉnh có 2.360 mô hình “Dân vận khéo” được đăng ký, có 1.248 mô hình đăng ký mới, 1.112 mô hình duy trì. Trong đó có nhiều mô hình thuộc lĩnh vực xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững đã đem lại động lực mới, phát huy mọi nguồn lực của xã hội, làm thay đổi diện mạo nông thôn, xây dựng khu dân cư văn minh “xanh – sạch – đẹp”; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi như trang trại, gia trại, tổ hợp tác, HTX, phát triển tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ…

Các mô hình đã và đang góp phần lan toả phong trào phát triển kinh tế, nhiều hộ gia đình mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra những sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn, phù hợp với nhu cầu của thị trường, tạo việc làm, nâng cao thu nhập. Đồng thời, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo, làm giàu chính đáng; tham gia tích cực vào các hoạt động vì cộng đồng, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương./.

Nông Vui

Xem thêm