Đặng Hành Dũng và khát vọng làm giàu trên đỉnh Pù Lầu

BBK - Anh Đặng Hành Dũng ở thôn Phiêng Phàng, xã Yến Dương (Ba Bể) là người đầu tiên đưa mô hình nuôi cá hồi, cá tầm lên núi cao Pù Lầu. Anh là tấm gương điển hình, tiêu biểu của tỉnh trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Với ý chí quyết tâm Đặng Hành Dũng đã thành công với con đường mình đã chọn.
Với ý chí quyết tâm Đặng Hành Dũng đã thành công với con đường mình đã chọn.

Quyết tâm và kiên trì

Phiêng Phàng, quê hương của anh Đặng Hành Dũng nằm cheo leo trên đỉnh núi Pù Lầu, là thôn vùng cao của xã Yến Dương. Hầu hết các hộ trong thôn là người Dao, đời sống khó khăn do khí hậu khắc nghiệt, đất canh tác ít. Bố mẹ Dũng là nông dân nghèo như các hộ dân khác trong thôn. Vì thế, chàng trai trẻ quyết tâm đi học để có kiến thức, thoát khỏi cái nghèo.

Sau khi học xong trung cấp y, trở về địa phương, đúng vào thời điểm tuyển thanh niên tham gia nghĩa vụ quân sự, anh Dũng đăng ký và trúng tuyển, phục vụ trong lực lượng Công an Nhân dân 3 năm.

Ra quân, anh Dũng trở về địa phương đau đáu với câu hỏi "làm sao để thoát nghèo, làm sao để phát triển kinh tế từ chính điều kiện tự nhiên của mảnh đất này? Pù Lầu nằm trong dãy Phja Bjoóc, có khí hậu mát mẻ lại có nước đầu nguồn sạch, quanh năm lạnh. Sườn núi có độ dốc cao, nước chảy xuống mạnh, thích hợp để nuôi cá tầm, cá hồi. Khi ở trong quân ngũ tôi đã mong muốn khởi nghiệp nên năm 2020, khi trở về địa phương tôi đã quyết tâm thực hiện mô hình nuôi cá trên đỉnh núi”, anh Dũng chia sẻ.

Khởi nghiệp từ ban đầu 03 bể cá, đến nay anh Dũng đã thành lập "HTX Cá Hồi - Cá Tầm Pù Lầu" với số lượng trên 30 bể.

Khởi nghiệp từ ban đầu 03 bể cá, đến nay anh Dũng đã thành lập "HTX Cá Hồi - Cá Tầm Pù Lầu" với số lượng trên 30 bể.

Anh Dũng bắt đầu thực hiện ý tưởng khi mọi thứ nơi này còn rất hoang sơ. Thời điểm đó, các hộ dân trong thôn chỉ trồng cây dong riềng, nếu chuyển sang xây dựng mô hình nuôi cá đồng nghĩa với việc phải tạo dựng từ mặt bằng, mở đường dẫn nước, tới đường vận chuyển vật liệu xây bể...

Do đường đi lại khó khăn nên việc vận chuyển nguyên vật liệu không dễ dàng, máy móc không thể đưa lên hỗ trợ nên Dũng đành san gạt đất một cách thủ công. Suốt một tháng trời, chàng trai trẻ kiên trì với việc san mặt bằng, sau đó kéo vật liệu lên đỉnh núi, tìm nguồn dẫn nước suối, kéo điện, lắp đặt hệ thống ống dẫn nước sạch…

“Người dân trong thôn không hiểu mình đang làm gì khi suốt ngày đào, san lấp đất. Nhiều người xì xào, bàn tán và cho đó là một công việc thực sự “điên, khùng”, anh Dũng bày tỏ.

Góp phần thay đổi quê hương

Sau nhiều nỗ lực, hệ thống bể nuôi cá được hình thành rộng hơn 300m2, anh Đặng Hành Dũng lên Sa Pa (Lào Cai), mua giống cá. Chàng trai trẻ còn vào các hội, nhóm liên quan đến nuôi cá tầm, cá hồi để tìm hiểu, trao đổi về kỹ thuật, giống cá, thức ăn... Tuy nhiên, từ lý thuyết đến thực tế nuôi cá không đơn giản. Những ngày đầu, do còn thiếu kinh nghiệm trong nuôi loài cá nước lạnh nên cá giống bị chết, anh Dũng chịu thiệt hại không nhỏ.

Vừa làm, anh Dũng vừa rút ra bài học cho bản thân. Cá tầm, cá hồi chỉ sống được ở nơi nước lạnh và dễ bị mắc bệnh nếu thiếu kỹ thuật và môi trường nuôi không bảo đảm. Vì vậy, để loài cá này sinh trưởng tốt, đòi hỏi người nuôi cần đặc biệt chú trọng đến độ sâu của bể, độ lạnh của nước, nguồn thức ăn có chất lượng tốt, môi trường nước sạch.

Hiện nay anh Dũng đã thành lập HTX nuôi cá tầm, cá hồi, quy mô 30 bể nuôi cá với diện tích khoảng hơn 3.500m2, bình quân mỗi năm xuất bán ra thị trường khoảng 15 - 20 tấn cá. Cá có đầu ra ổn định với giá bán từ 300.000 - 350.000 đồng/kg cá tầm; 400.000 - 450.000 đồng/kg cá hồi. Trừ hết chi phí, mỗi năm HTX thu về 1,5 - 2 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 08 lao động trong đó có 03 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Sự kiên trì đã giúp anh Đặng Hành Dũng từng bước biến ước mơ của mình thành hiện thực.

Sự kiên trì đã giúp anh Đặng Hành Dũng từng bước biến ước mơ của mình thành hiện thực.

Từ kinh nghiệm của bản thân, anh Dũng hướng dẫn, chia sẻ kỹ thuật cho các hộ dân khác cùng làm. Chàng trai trẻ cũng liên kết với các hộ trong sản xuất, tiêu thụ, đồng thời quảng cáo, bán hàng trực tuyến trên trang facebook, zalo, để đưa thương hiệu cá nuôi trên đỉnh Pù Lầu đến với đông đảo khách hàng gần xa. HTX cá hồi, cá tầm do anh Dũng làm Giám đốc cũng đầu tư vào việc chế biến món ăn từ cá tầm, cá hồi như dầu cá, ruốc cá… để đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm tại chỗ của du khách.

Anh Dũng chia sẻ: “Thời gian tới tôi tiếp tục xây dựng mô hình nghĩ dưỡng, mở thêm nhiều dịch vụ phục vụ du khách khi đến với Phiêng Phàng… Mọi việc mới chỉ bắt đầu, cũng có chút lo lắng, nhưng rồi tôi lại tự động viên như lời Bác đã dạy "Không có việc gì khó - Chỉ sợ lòng không bền - Đào núi và lấp biển - Quyết chí ắt làm nên". Hơn nữa với sức trẻ, tôi tin rằng mọi việc nếu cần cù, cố gắng hết sức, chắc chắn sẽ thành công”.

Xem thêm