ĐBQH tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Thị Thủy: Cần thiết thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt

BBK - Sáng 28/5, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Phiên họp do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành. ĐBQH Nguyễn Thị Thủy, đoàn Bắc Kạn đã tham gia ý kiến về sự cần thiết thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt.

7a2.jpg
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Thị Thủy, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn thảo luận về sự cần thiết thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt.

Đây là dự án luật lớn, có nhiều chính sách, quy định mới về tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân, có nhiều chính sách, liên quan đến một số luật, nhất là các luật trong lĩnh vực tư pháp. Dự thảo Luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan tiếp thu, chỉnh lý dự thảo, rà soát các nội dung đầy đủ; sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật có 154 điều (bỏ 02 điều; bổ sung 02 điều; ghép 01 điều; giảm 01 điều so với dự thảo Tòa án nhân dân tối cao trình Quốc hội).

Tham gia thảo luận, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Thị Thủy, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn đã thể hiện sự đồng tình với việc thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt trong dự thảo Luật trên cơ sở phân tích các lý do từ cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế.

Theo đại biểu, các nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội XIII và Nghị quyết số 27-NQ/TW của BCH Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới yêu cầu: “tăng cường tính chuyên nghiệp của hoạt động xét xử của Tòa án”. Tuy nhiên với cách thức tổ chức Tòa án như quy định hiện hành sẽ khó đáp ứng được yêu cầu này, nhất là đối với một số loại án đặc thù như án hành chính, phá sản, sở hữu trí tuệ…

Các nghị quyết kỳ họp của Quốc hội đều yêu cầu TAND tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có các giải pháp căn cơ, đột phá để khắc phục những hạn chế và nâng cao chất lượng xét xử cũng như chất lượng kiểm sát các loại án (hành chính, phá sản, sở hữu trí tuệ), cụ thể tại Nghị quyết số 755 ngày 27/3/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu: “Hoàn thiện pháp luật và tổ chức bộ máy phù hợp để đáp ứng yêu cầu giải quyết các vụ án có tính chất đặc thù như phá sản, sở hữu trí tuệ, tư pháp đối với người chưa thành niên…”.

Về cơ sở thực tiễn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy đã có những phân tích rất cụ thể đối với từng loại án (hành chính, sở hữu trí tuệ và phá sản) liên quan đến tính chất đặc thù về chủ thể tham gia là bị đơn trong án hành chính, về yêu cầu chuyên môn của Thẩm phán khi giải quyết các loại vụ án này, nhất là đối với án sở hữu trí tuệ và phá sản. Theo đại biểu, ngoài yêu cầu về chuyên môn pháp luật, Thẩm phán còn phải được đào tạo bài bản về kinh tế, tài chính. Nhất là đối với án phá sản, Thẩm phán phải giải quyết đồng thời tất cả các mối quan hệ phát sinh từ việc doanh nghiệp bị phá sản…

Bên cạnh đó, đại biểu đồng tình với việc xử lý như dự thảo và báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, theo đó, căn cứ số lượng vụ án phải giải quyết, TAND tối cao sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định số lượng Tòa án sơ thẩm chuyên biệt; về biên chế, sẽ điều động các Thẩm phán có kinh nghiệm từ các Tòa án trong hệ thống nên sẽ không phát sinh thêm biên chế. Việc thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt cũng đảm bảo phù hợp với kinh nghiệm quốc tế.

Thể hiện đồng tình cao với sự cần thiết thành lập Tòa án sơ thẩm chuyên biệt để giải quyết một số loại án đặc thù, tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Thị Thủy đề nghị trước mắt chỉ nên tổ chức Tòa án sơ thẩm chuyên biệt tại 03 thành phố: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Xuất phát từ việc số lượng các loại án đặc thù tại các thành phố này lớn; đồng thời cũng thuận lợi khi bản án bị kháng cáo, kháng nghị xét xử theo trình tự phúc thẩm do TAND cấp cao đang được đặt tại 03 thành phố này. Điều này vừa đảm bảo tập trung về nhân lực, vừa hạn chế phát sinh bộ máy, vừa đáp ứng yêu cầu về tính chuyên môn, chuyên nghiệp cao./.

Xem thêm