Đề nghị nâng mức trợ cấp thai sản, xây dựng chế độ thai sản đa tầng

Đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đề nghị nâng mức trợ cấp thai sản, xây dựng chế độ thai sản đa tầng.

Đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An phát biểu thảo luận

Sáng 23/11, phát biểu thảo luận Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho biết, tại khoản 1 Điều 94 mức hưởng trợ cấp thai sản dự thảo Luật quy định: Lao động nữ khi sinh con, lao động nam có vợ sinh con được hưởng 2 triệu đồng cho một con mới sinh, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nâng mức trợ cấp này.

Theo đại biểu, lý do là theo tờ trình 527 của Chính phủ về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội, mức 2 triệu theo Nghị định 39 năm 2015 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người đồng bào dân tộc thiểu số sinh con đúng chính sách dân số.

Nhưng Nghị định này đã được thay thế tại điều 36 Thông tư 55 của Bộ Tài chính ngày 15/8/2023 áp dụng cho chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Như vậy quy định này không còn phù hợp.

Bên cạnh đó, chế độ thai sản ngoài hỗ trợ bằng tiền mặt, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc bổ sung chế độ chăm sóc sức khỏe khám thai định kỳ, hiện nay chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện chưa thực sự được hấp dẫn, bổ sung chế độ thai sản phù hợp cũng là điều kiện cần thiết thu hút người lao động trong độ tuổi tham gia.

Đề nghị xây dựng chế độ thai sản đa tầng, bổ sung chế độ trợ cấp thai sản với phụ nữ nghèo, khuyết tật

Cũng theo đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền, chế độ thai sản là một trong 5 chế độ thực hiện sớm nhất trong hệ thống chính sách bảo hiểm xã hội ở nước ta, Chế độ thai sản mang đậm ý nghĩa nhân văn, thế giới đánh giá Việt Nam là nước có chế độ thai sản rộng rãi trong khu vực về cả thời gian nghỉ và tỷ lệ hưởng.

Tuy nhiên, chỉ khoảng 30% lao động nữ trong hệ thống bảo hiểm xã hội bắt buộc được thụ hưởng chế độ này.

Đồng nghĩa với việc phần lớn lao động phụ nữ trong lao động tự do không được tiếp cận loại hình bảo hiểm này, nên gánh nặng càng tăng khi họ sinh con, đối mặt với các khoản chi tiêu gia tăng từ việc sinh con, lại không có thu nhập do gián đoạn việc làm, nhiều phụ nữ phải đi làm sớm trở lại ảnh hưởng đến sức khỏe và chăm sóc trẻ.

Theo Công ước 183 của Tổ chức Lao động quốc tế, chế độ thai sản nên áp dụng cho tất cả phụ nữ kể cả lao động làm việc trong điều kiện không chính thức.

Hơn thế, tại khoản 2 Điều 6 Luật Bình đẳng giới quy định chính sách của Nhà nước về bình đẳng giới là bảo vệ, hỗ trợ người mẹ khi mang thai, sinh con, nuôi con nhỏ.

Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xây dựng chế độ thai sản đa tầng, bổ sung chế độ trợ cấp thai sản với phụ nữ nghèo, khuyết tật, tiến tới bao phủ chế độ thai sản cho mọi phụ nữ./.

Xem thêm