Đề phòng tình trạng sạt lở đất trong mùa mưa bão

Tình trạng người dân làm nhà tại các vị trí dễ xảy ra sạt lở, lũ quét đang rất phổ biến tại nhiều địa phương. Mới bước vào mùa mưa bão, song ngay từ những trận mưa lớn đầu tiên đã có nhà dân bị sạt lở, vùi lấp. Để tránh thiệt hại về người và tài sản, chính quyền cũng như người dân cần cảnh giác cao độ và nhanh chóng rút ra bài học kinh nghiệm.

Tình trạng người dân làm nhà tại các vị trí dễ xảy ra sạt lở, lũ quét đang rất phổ biến tại nhiều địa phương. Mới bước vào mùa mưa bão, song ngay từ những trận mưa lớn đầu tiên đã có nhà dân bị sạt lở, vùi lấp. Để tránh thiệt hại về người và tài sản, chính quyền cũng như người dân cần cảnh giác cao độ và nhanh chóng rút ra bài học kinh nghiệm.

Làm nhà tại chân ta-luy cao, ngôi nhà và tài sản của gia đình anh Lương Ngọc Hán, thôn Nà Thoi, xã Quang Thuận (Bạch Thông) đã bị vùi lấp hoàn toàn.
Làm nhà tại chân ta-luy cao, ngôi nhà của gia đình anh Lương Ngọc Hán, thôn Nà Thoi, xã Quang Thuận (Bạch Thông) đã bị sạt lở vùi lấp hoàn toàn.

Thuộc diện giải phóng mặt bằng để làm đường, gia đình anh Lương Ngọc Hán ở thôn Nà Thoi, xã Quang Thuận (Bạch Thông) tiếp tục san đất sâu vào ta-luy dương để dựng nhà trên phần đất còn lại không bị giải toả. Biết là ngôi nhà nằm ở vị trí nguy hiểm, song gia đình vẫn nán lại ở vì chưa tìm được nơi ở mới phù hợp. Sáng sớm ngày 17/6 trời mưa lớn, thấy dấu hiệu lở đất, anh Hán cảnh giác đem gửi xe máy, ti-vi nhà hàng xóm. Trong lúc vợ chồng anh đang lùa lợn khỏi chuồng thì toàn bộ đất đá ở ta-luy dương ụp xuống. Trong phút chốc căn nhà gỗ ba gian, xưởng gỗ cùng toàn bộ tài sản trong nhà bị vùi lấp hoàn toàn. Chị Nông Thị Thuý Miên- vợ anh Hán bị đất đá đẩy ngã xuống tận lề đường, bị thương khiến chị phải đi bệnh viện. Hiện gia đình anh chị đang phải ở nhờ trong nhà họp thôn. Thoát chết trong gang tấc, chưa hết vẻ bàng hoàng, chị Miên nhắn nhủ bà con cảnh giác, không làm nhà nơi có nguy cơ sạt lở để bảo toàn tính mạng, tài sản.

Địa bàn tỉnh ta nhiều đồi núi, việc xây dựng nhà cửa của người dân thường phải san bạt các chân đồi. Cùng với đó, nhiều con đường được mở mới, người dân đào thêm vào các ta-luy dương để làm nhà bám mặt đường. Không ít hộ làm nhà tại các vị trí thấp, ven sông suối hoặc ở lòng khe. Những ngôi nhà như thế này luôn đứng trước mối hiểm hoạ khôn lường, nhất là trong mùa mưa bão. Theo thống kê của Chi cục Thuỷ lợi và Phòng, chống lụt bão tỉnh, riêng trong mùa mưa bão năm 2013, toàn tỉnh có 19 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi, 427 nhà bị sạt lở taluy dương, 20 nhà phải di dời khẩn cấp 20, 266 nhà bị ngập nước. Thiên tai đã khiến 5 người chết, 5 người bị thương; tổng thiệt hại về vật chất ước tính hàng trăm tỷ đồng...

Bước vào mùa mưa bão năm nay, ngành chức năng thống kê toàn tỉnh có 2.547 hộ dân có nhà nằm trong diện nguy cơ sạt lở, ngập úng hoặc lũ ống, lũ quét. Trong đó riêng nguy cơ sạt lở cao có tới 1.185 hộ (chiếm 46,5%). Thị xã Bắc Kạn là nơi tốc độ xây dựng cơ bản và đô thị hoá diễn ra nhanh chóng, toàn địa bàn có 268 hộ đứng trước nguy cơ sạt lở đất. Tương tự như vậy, thị trấn Chợ Rã (Ba Bể) cũng có 101 hộ có nguy cơ sạt lở. Đồng chí Triệu Văn Thanh- Chi cục phó Chi cục Thuỷ lợi và Phòng, chống lụt bão tỉnh cho biết: Các danh điểm nhà ở có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi thiên tai đều đã được cấp, ngành chuyên môn lên phương án ứng phó. Tuy nhiên về lâu dài, việc bố trí tái định cư cho các hộ này rất khó khăn do thiếu nguồn lực tài chính và quỹ đất. Chính vì vậy, công tác tuyên truyền, tăng cường quản lý của các cấp, địa phương là hết sức quan trọng.

Trước đây người dân thường tránh làm nhà ở các lòng khe, ven sông suối... Nhưng nay quỹ đất ở ngày càng thiếu, người dân nhắm mắt làm nhà ở những địa thế hết sức nguy hiểm, "nhìn đã thấy sợ". Mặt khác, tại nhiều nơi, nhất là các xã, người dân thường làm nhà mà không cần thủ tục cấp phép xây dựng. Vì thế khi chính quyền phát hiện ra nguy hiểm thì nhà đã làm xong. Để tránh xảy ra những thiệt hại không đáng có do sạt lở, lũ quét trong mùa mưa bão, thiết nghĩ người dân cần tự ý thức hơn trong việc chọn địa điểm dựng nhà. Mặt khác, chính quyền cần sâu sát hơn nữa trong việc bám nắm địa bàn, tuyên truyền kết hợp với các biện pháp cưỡng chế nếu có trường hợp cố tình làm nhà tại nơi có nguy cơ sạt lở, lũ quét.../.
 

Đăng Bách – Hồng Tuyến
 

Xem thêm