Điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia đối với 08 chỉ tiêu sử dụng đất

BBK -Sáng 23/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 8.

Đầu phiên họp, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

toan-canh-sang-23-9587-7362.jpg
Toàn cảnh phiên họp.

Theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia là phù hợp với yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 103/2023/QH15 ngày 09/11/2023, nhất là trong bối cảnh nước ta đang chuẩn bị triển khai một số dự án quan trọng quốc gia (Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam). Nội dung chủ yếu Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia là: Điều chỉnh 08 chỉ tiêu sử dụng đất gồm: Nhóm đất nông nghiệp (trong đó có các loại đất: Đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên); nhóm đất phi nông nghiệp (trong đó có các loại đất: Đất quốc phòng, đất an ninh); không trình Quốc hội phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất quốc gia. Trong đó, ưu tiên bố trí quỹ đất sử dụng cho mục đích quốc phòng, an ninh, giữ ổn định quỹ đất trồng lúa để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, quản lý chặt chẽ đất rừng, duy trì độ che phủ rừng để góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện mục tiêu phát triển bền vững...

pct-dinh-257-3580.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.

Tiếp theo, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên. Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp này gồm 5 phần, 11 chương và 176 điều.

Sau đó, các ĐBQH đã thảo luận về dự thảo luật này, trong đó nhiều ý kiến tham gia thảo luận xoay quanh các quy định về Cơ quan thường trực giúp việc cho Hội đồng quốc gia về tư pháp người chưa thành niên; về biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng là biện pháp xử lý chuyển hướng và đề nghị rà soát kỹ lưỡng từng trường hợp được áp dụng biện pháp này để bảo đảm chặt chẽ. Một số đại biểu quan tâm phân tích từng nội dung quy định của từng loại hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội để vừa bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa tội phạm, vừa đề cao tính nhân văn, hướng thiện trong xử lý người chưa thành niên phạm tội.

Các đại biểu đều nhất trí với dự thảo Luật quy định phải tách riêng vụ án có người chưa thành niên phạm tội để giải quyết, các ý kiến đều thống nhất việc tách vụ án trong trường hợp vụ án có bị can là người chưa thành niên và người trưởng thành…

Cuối phiên thảo luận, thay mặt cơ quan soạn thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đã tiếp thu toàn bộ ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội để xem xét, chỉnh lý dự thảo Luật./.

Xem thêm