Về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, căn cứ các quy định của pháp luật, nghị quyết của Quốc hội và tình hình thực tế, dự kiến tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 11 dự án luật; cho ý kiến 12 dự án luật.
Trong trường hợp dự án Luật Điện lực (sửa đổi) được chuẩn bị tốt, đủ điều kiện thông qua theo quy trình tại một kỳ họp thì tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 12 dự án luật; cho ý kiến 11 dự án luật.
Bên cạnh các dự án luật đã có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trường hợp có dự án luật, dự thảo nghị quyết quy phạm pháp luật khác được bổ sung vào Chương trình, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để điều chỉnh nội dung Kỳ họp phù hợp.
Ngoài ra, Quốc hội cũng sẽ xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.
Về dự kiến thời gian họp, do số lượng nội dung lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng tại Kỳ họp thứ 8 rất lớn, nhiều nội dung khó, phức tạp, Tổng Thư ký Quốc hội đề xuất tiếp tục tổ chức Kỳ họp thứ 8 theo 2 đợt họp (với khoảng cách 9 ngày giữa 2 đợt họp) để có thời gian cho các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan tiếp thu, giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội, chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo luật, nghị quyết với chất lượng tốt nhất trước khi trình Quốc hội thông qua.
Dự kiến, Quốc hội làm việc 23,75 ngày, khai mạc vào ngày 21/10/2024; bế mạc ngày 28/11/2024; dự phòng ngày 29/11/2024.
Đợt 1 được bố trí 15 ngày (từ 21/10 đến 08/11), chủ yếu bố trí thảo luận các nội dung trình Quốc hội biểu quyết thông qua tại Kỳ họp và thảo luận ở Tổ một số dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến; chất vấn và trả lời chất vấn.
Đợt 2 diễn ra trong 09 ngày, từ 18/11 đến 28/11; chủ yếu bố trí Quốc hội biểu quyết thông qua các luật, nghị quyết và thảo luận ở Tổ về một số dự án luật và thảo luận ở hội trường về các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến./.