Ghi ở thôn Nặm Lịa

Nặm Lịa là thôn vùng cao thuộc xã Xuân La (Pác Nặm), có 63 hộ dân với 353 nhân khẩu đều là đồng bào Dao Đỏ sinh sống. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng người dân nơi đây luôn đoàn kết, vươn lên phát triển kinh tế, từng bước ổn định cuộc sống.

-	Mô hình chăn nuôi của gia đình chị Triệu Mùi Lụa, thôn Nặm Lịa, xã Xuân La (Pác Nặm).
Mô hình chăn nuôi của gia đình chị Triệu Mùi Lụa, thôn Nặm Lịa, xã Xuân La (Pác Nặm).

Nặm Lịa cách trung tâm xã Xuân La khoảng 6km. Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, năm 2020, với số vốn đầu tư 1,3 tỷ đồng từ Chương trình 135 và nông thôn mới, đường vào thôn có đoạn đã được bê tông hóa, ô tô có thể vào đến trung tâm thôn. Thôn có điểm trường Mầm non và Tiểu học được xây dựng khang trang. Người dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh từ nhiều năm nay.

Đi vào thôn, khung cảnh yên bình hiện hữu trước ngay trước mắt, hai bên đường là những đồi keo, mỡ xanh bạt ngàn. Cả thôn có khoảng 80ha rừng sản xuất, trong đó gần 20ha keo, mỡ đã cho khai thác, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều hộ. Ngoài ra, thôn có 8,9ha đất ruộng, 56ha đất trồng ngô; phát triển chăn nuôi hơn 100 con trâu, bò, 300 con lợn...

Trưởng thôn Đặng Văn Pu cho biết: "Năm 2014, từ các chương trình giảm nghèo, thôn có hơn chục hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ trâu, bò giống; hơn 30 hộ được hỗ trợ phân bón, hướng dẫn ủ phân vi sinh trồng trên 10ha cây chuối làm thức ăn chăn nuôi vỗ béo trâu, bò... Được sự hỗ trợ từ chính quyền, các cấp, ngành, đoàn thể, người dân đã thay đổi phương thức sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật, tăng năng suất cây trồng. Nhờ được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều thanh niên trong thôn được đi làm tại các công ty trong nước và xuất khẩu lao động; nhiều hộ dân có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất...".

Gia đình chị Triệu Mùi Lụa là một trong những hộ mạnh dạn phát triển kinh tế trong thôn. Khu chuồng trại chăn nuôi của gia đình được xây dựng cách xa nhà ở, sạch sẽ, thoáng đãng. Chị Lụa cho biết: "Từ nguồn vay vốn NHCSXH, gia đình tôi đầu tư phát triển chăn nuôi, duy trì nuôi từ 25 - 30 con lợn, mỗi năm 2 lứa. Nhờ chú trọng chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh nên đàn lợn khỏe mạnh, lớn nhanh, cho thu nhập ổn định".

Trước đây, nếu nhắc đến thôn vùng cao Nặm Lịa, nhiều người sẽ nghĩ đến nhiều hủ tục, lạc hậu trong tảo hôn, ma chay, cưới xin rườm rà ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, xóa đói giảm nghèo, trẻ con không được đi học. Đến nay, nhờ các cấp chính quyền quan tâm, tuyên truyền, vận động, người dân trong thôn đã thực hiện quy ước, hương ước thôn bản. Nặm Lịa nhiều năm đạt Thôn văn hóa; năm 2021, thôn có 56/62 hộ đạt Gia đình văn hóa. Tình hình an ninh chính trị ổn định, người dân được tham gia bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe, trẻ em được học hành đầy đủ.

-	Người dân Nặm Lịa sử dụng điện tự kéo chỉ đủ dùng để thắp sáng và sử dụng một số thiết bị điện có công suất nhỏ.
Người dân thôn Nặm Lịa sử dụng điện tự kéo để thắp sáng .

Tuy cuộc sống của đồng bào Dao Đỏ nơi đây đã có nhiều đổi thay, nhưng Nặm Lịa vẫn là thôn đặc biệt khó khăn. Hiện 30 hộ dân trong thôn vẫn chưa được sử dụng điện lưới quốc gia, thôn vẫn còn 55 hộ nghèo (theo tiêu chí mới).

Bí thư Chi bộ thôn Nặm Lịa Triệu Văn Tiến cho hay: "Vì không có điện nên việc thực hiện tiêu chí Tiếp cận xã hội gặp nhiều khó khăn. Để có điện sinh hoạt, mỗi hộ dân tự đóng góp 3 triệu đồng kéo điện từ thôn Bản Sáp cách 2km về sử dụng với giá 3.500 đồng/kWh. Nguồn điện yếu, không đảm bảo, nên ước mơ có chiếc tivi, tủ lạnh, máy móc hiện đại phục vụ sản xuất vẫn là niềm mong mỏi của bà con".

Ông Lê Văn Tuân- Chủ tịch UBND xã Xuân La cho biết: "Xã còn trên 130 hộ dân thuộc 2 thôn Khuổi Bốc và Nặm Lịa chưa được sử dụng điện lưới quốc gia (Năm 2019 Nặm Lịa được sáp nhập từ 2 thôn Phiêng Coọng và Nà Vài, trong đó 30 hộ dân thuộc thôn Nà Vài chưa được sử dụng điện lưới). Thông qua các cuộc họp, tiếp xúc cử tri, chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị với Trung ương, tỉnh, huyện sớm đầu tư điện lưới quốc gia cho các thôn, bản vùng cao, nhưng đến nay vẫn chưa có kinh phí đầu tư..."/.

Thanh Hảo

Xem thêm