Nhiều chương trình hỗ trợ vật tư, phân bón cho người dân phát triển mô hình kinh tế nông nghiệp, góp phần giảm nghèo bền vững được tỉnh Bắc Kạn triển khai. (Ảnh: Đức Kiên) |
Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Pác Nặm chiếm 14,8%, huyện Ngân Sơn chiếm 12,15%. Tổng số hộ nghèo của hai huyện là hơn 7.000 hộ, chiếm khoảng gần 1/3 số hộ nghèo của toàn tỉnh. Tỷ lệ giảm nghèo được đánh giá là chậm và không bền vững khi tỷ lệ hộ nghèo giảm chậm nhưng số hộ cận nghèo lại ở mức 13,49%, tăng 0,77% so với năm 2022.
Bà Đồng Thị Vân Thoa, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh cho biết: Qua đợt khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội về công tác giảm nghèo vào cuối tháng 11/2023 cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo phát sinh của huyện Pác Nặm tăng khá cao. Tổng hộ nghèo phát sinh 174 hộ, trong đó 60 hộ cận nghèo rơi xuống mức nghèo, 07 hộ tái nghèo, 103 hộ phát sinh mới do tách hộ, 04 hộ chuyển đến. Những hộ thoát nghèo chủ yếu là gia đình có người đi xuất khẩu lao động, được hỗ trợ nhà ở hoặc mua sắm thêm tài sản.
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, bà Hà Thị Liễu cho biết thêm: Với số liệu vừa được rà soát, tỷ lệ giảm nghèo ở hai huyện nghèo như vậy không đạt mục tiêu đã đặt ra. Có nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân dẫn đến việc tỷ lệ giảm nghèo ở hai huyện nghèo còn chậm là do trong năm 2023, việc triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia còn nhiều vướng mắc, các văn bản hướng dẫn chưa đầy đủ nên khó khăn trong giải ngân các nguồn vốn để hỗ trợ cho người dân. Cùng với đó, đội ngũ cán bộ- cầu nối chính sách đến với người dân còn chưa thực sự chủ động, năng lực còn yếu nên chính sách, nguồn lực tuy nhiều nhưng khó đến được với Nhân dân.
Mới đây, Kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021- 2026 cũng thảo luận kỹ lưỡng và đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng và an ninh năm 2024, đề ra 24 chỉ tiêu chủ yếu năm 2024, trong đó mục tiêu tỷ lệ giảm nghèo ở các huyện nghèo vẫn phải đạt 4 - 5% theo tinh thần cụ thể hóa mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, để công tác giảm nghèo ở hai huyện nghèo đảm bảo tính bền vững, thực chất, cần nhiều nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ.
Tuy nhiên, có thể thấy, một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhất của giai đoạn tới là phải tập trung triển khai và tận dụng hiệu quả nguồn lực to lớn từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia (Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi). Đây được coi là động thái tiếp sức mạnh mẽ của Trung ương cho các tỉnh còn khó khăn như Bắc Kạn vươn lên phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, nguồn vốn trong các năm 2022 và 2023 vẫn còn đạt thấp, chưa được tận dụng hiệu quả do những nguyên nhân khách quan và cả chủ quan.
Để nguồn lực này phát huy hiệu quả trong công tác giảm nghèo nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung, cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng và cụ thể hóa vào các chương trình công tác năm của đơn vị, địa phương để tập trung, quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện giải ngân các nguồn vốn. Đồng thời, chỉ đạo và đôn đốc đội ngũ cán bộ phụ trách, tham mưu về 3 chương trình mục tiêu quốc gia tự giác, chủ động nâng cao năng lực, trách nhiệm, tích cực, chủ động, tham mưu kịp thời và có hiệu quả cho cấp ủy, chính quyền áp dụng các chính sách hỗ trợ, nhất là các chính sách hỗ trợ về sản xuất, liên kết sản xuất đến được với người dân, từ đó hạn chế được tình trạng giảm nghèo chậm và chưa bền vững như hiện nay./.