Trích đoạn nghi lễ cấp sắc của đồng bào dân tộc Dao tại Ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc” năm 2023 thôn Bản Cuôn, xã Ngọc Phái (Chợ Đồn). |
Chia sẻ cùng chúng tôi, ông Hoàng Ngọc Thụy, Tổ trưởng tổ Đon Tuấn Khuổi Dủm, phường Huyền Tụng (TP. Bắc Kạn) cho biết: Để chuẩn bị cho ngày hội, trước đó các hộ dân đã tổng vệ sinh xung quanh nơi ở, luyện tập văn nghệ, thể thao, thi đua lao động sản xuất... Giống như những năm trước, ngày hội được tổ chức cả phần lễ và phần hội với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ; mọi người cùng nhau chuẩn bị bữa cơm “Đại đoàn kết”, người dân có cơ hội trò chuyện, chia sẻ về cuộc sống, từ đó thấu hiểu nhau hơn, nâng cao tinh thần đoàn kết.
Có dịp tới các địa phương mới thấy, tại các khu dân cư từ thành thị tới nông thôn, ở vùng thấp hay vùng cao, đâu đâu cũng thấy không khí hào hứng, phấn khởi. Để phù hợp với thực tế, thời gian tổ chức ngày hội tùy từng khu dân cư lựa chọn; những nơi tổ chức sớm thì ngay từ đầu tháng 11, rải rác và hoàn thành việc tổ chức vào ngày 18/11. Tuy nhiên, dư âm, tình cảm và sự gắn kết, thấu hiểu lẫn nhau giữa các hộ dân, phong trào thi đua ở từng khu dân cư sẽ còn kéo dài, để rồi lại được đánh giá, tổng kết vào ngày hội của năm sau.
Thi đan lồng gà tại Ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc" năm 2023 thôn Bản Cậu, xã Yên Thịnh (Chợ Đồn). |
Trong bộ trang phục truyền thống của dân tộc Dao tham dự ngày hội tổ chức vào tháng 11 vừa qua, bà Lý Thị Thơm, ở thôn Nà Hin, xã Quang Thuận (Bạch Thông) cho biết: Mọi người trong thôn ai cũng phấn khởi và nhiệt tình tham gia nhiều hoạt động ngay từ khâu chuẩn bị. Ngày hội cũng là dịp để đánh giá, biểu dương cá nhân, gia đình tiêu biểu và phát động thi đua để hướng tới các giá trị, thành tích cao hơn.
Thực tế cho thấy, ngày hội tại các khu dân cư được tổ chức mang nhiều bản sắc văn hóa của địa phương, nhận được sự tham gia, hưởng ứng tích cực của đông đảo người dân. Trong ngày hội, người dân được tham gia các trò chơi dân gian (Thi đẩy gậy, kéo co, đi cà kheo, bịt mắt bắt dê…), hay những hoạt động thường ngày trong sinh hoạt của người nông dân (Đan lát, giã bánh giầy, thái chuối, sàng gạo, giã cốm...) cũng được đưa vào ngày hội, tạo không khí vui vẻ mà gần gũi. Đặc biệt, các hoạt động văn hóa, văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, địa phương (Hát sli, hát lượn cọi, hát then, nghi lễ truyền thống...) được đưa vào hoạt động chung của ngày hội, góp phần tích cực trong duy trì và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc trong tỉnh.
Theo đồng chí Đỗ Thị Minh Hoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Kạn, ngày hội cũng là dịp để tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; không ngừng mở rộng khối đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Việc tổ chức các hoạt động văn hóa đã góp phần khơi dậy trong Nhân dân ý thức bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Bên cạnh đó, thông qua tổ chức ngày hội, đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong đẩy mạnh các cuộc vận động, các phong trào thi đua để thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương…
Thuyết trình về mâm cỗ tại Hội thi nấu ăn “Bữa cơm đại đoàn kết” do Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Đức Xuân (TP. Bắc Kạn) tổ chức. |
Theo thống kê, hằng năm có 100% khu dân cư tổ chức ngày hội, trên 95% khu dân cư tổ chức bữa cơm “Đại đoàn kết”. Đây là dịp để người dân thêm gắn bó, phát huy truyền thống đoàn kết, chia sẻ, gắn kết với nhau hơn để cùng nhau xây dựng, phát triển kinh tế; phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Năm 2023, việc tổ chức ngày hội được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Kạn hướng dẫn các khu dân cư gắn thêm một số nội dung mới, như: Tuyên truyền về chuyển đổi số; các nội dung của phần lễ được bố trí ngắn gọn, để dành thời gian tổ chức phần hội.
Thông qua tổ chức ngày hội, những giá trị văn hóa mang bản sắc dân tộc đã được gìn giữ và phát huy ngày càng rõ nét hơn. Vai trò và vị trí của MTTQ được đề cao. Đồng thời, đóng góp tích cực trong việc khơi dậy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, như: “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Tình làng nghĩa xóm”… góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển…/.