Hoạt động điều trị tại Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa Bắc Kạn. |
Khó khăn về chính sách
Thời gian qua, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã gây đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng thuốc, vật tư y tế trên diện rộng. Sau khi Bộ Y tế ban hành Thông tư số 14/2020/TT-BYT ngày 10/7/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 08/11/2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 68/2022/TT-BTC ngày 11/11/2022… thì việc triển khai đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế trên toàn quốc nói chung, tỉnh Bắc Kạn nói riêng gặp một số khó khăn.
Theo đó, khi xây dựng báo giá, đấu thầu trang thiết bị, vật tư y tế cần tham khảo từ ít nhất 3 báo giá của các nhà cung cấp khác nhau trên địa bàn trong 90 ngày gần nhất. Các nhà sản xuất thuốc (nhất là biệt dược) ít khi cung cấp cho nhiều nhà phân phối trên cùng một lãnh thổ. Do đó, việc có đủ 03 báo giá của các nhà cung cấp khác nhau là rất khó khăn. Không những vậy, tại Điều 44 của Nghị định 98/2021/NĐ-CP còn quy định "Không được mua bán trang thiết bị y tế khi chưa có giá kê khai và không được mua bán cao hơn giá kê khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế tại thời điểm mua bán". Danh mục kê khai này thường xuyên biến động, gây khó cho việc lập hồ sơ đấu thầu, mua sắm...
Trung bình các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh chi cho việc mua sắm vật tư y tế, hóa chất xét nghiệm khoảng trên 30 tỷ đồng/năm. Năm 2022 tổng giá trị các gói thầu mua thuốc tập trung cấp địa phương là trên 201 tỷ đồng. Theo ông Đinh Mạnh Cường, Phó Giám đốc Sở Y tế: Cá biệt có thời điểm (quý IV năm 2022), khi đấu thầu mua vật tư y tế còn không có đơn vị nào tham gia. Những khó khăn như trên dẫn tới các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh rơi vào tình trạng thiếu cục bộ một số loại thuốc, vật tư y tế.
Cải cách đấu thầu, linh hoạt tháo gỡ khó khăn
Nắm rõ những khó khăn về thuốc và trang thiết bị y tế trong cả nước, đầu tháng 3/2023, Chính phủ liên tiếp ban hành hai văn bản để tháo gỡ, đó là Nghị định số 07/2023/NĐ-CP ngày 03/3/2023 và Nghị quyết 30/NQ-CP ngày 04/3/2023.
Các văn bản trên giúp giải quyết những vướng mắc liên quan đến báo giá, giấy phép nhập khẩu, số đăng ký lưu hành trang thiết bị y tế; tháo gỡ khó khăn trong thu hồi số lưu hành của các hàng hóa cần mua sắm; bãi bỏ quy định tại Điều 44 của Nghị định 98/2021/NĐ-CP; kịp thời giải quyết những vấn đề cấp bách trong thực hiện mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế...
Bên cạnh những động thái tích cực của Chính phủ, ngành Y tế Bắc Kạn đã chủ động phối hợp, tham mưu cho UBND tỉnh giao các cơ sở khám chữa bệnh tự thực hiện mua sắm hóa chất, vật tư, sinh phẩm và trang thiết bị để chủ động hơn trong công tác chuyên môn; phân cấp mạnh hơn trong việc thẩm định giá mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ từ nguồn ngân sách cấp tỉnh. Sở Y tế cũng ra văn bản triển khai ngay nội dung nghị định, nghị quyết mới của Chính phủ tới các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Trần Văn Tuyến, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Bắc Kạn: Thời điểm thiếu cục bộ vật tư y tế, Tổ công tác xã hội của đơn vị đã vận động các tổ chức, cá nhân tài trợ vật tư y tế trực tiếp để sử dụng cho việc khám, điều trị bệnh nhân. Thực hiện chuyển tuyến trung ương đối với những ca nặng. Những bệnh có thể trì hoãn thì giải thích để bệnh nhân chờ giải quyết sau. Bệnh viện còn tuyên truyền để bệnh nhân và người nhà chia sẻ khó khăn, tự túc bỏ tiền mua một số vật tư y tế tiêu hao dùng 1 lần với giá trị thấp để sử dụng trong điều trị.
Thời gian tới, để tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế không tái diễn, ngành Y tế tỉnh mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành ban hành chính sách ổn định cả cho các cơ sở y tế và doanh nghiệp cung cấp. Khi cấp phép nhập khẩu thuốc cần tiến hành đồng thời với việc đàm phán giá quốc gia. Đồng thời, ngành tăng cường hoạt động thẩm định giá đối với các gói thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế theo phân cấp của UBND tỉnh; đẩy nhanh tiến độ thẩm định giá, kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo thẩm quyền. Đề nghị các sở, ngành liên quan phối hợp hỗ trợ, tham mưu tháo gỡ kịp thời các vấn đề phát sinh, vướng mắc trong việc tổ chức mua sắm thuốc, vật tư, hóa chất sinh phẩm, trang thiết bị y tế./.