Hiệu quả từ chính sách hỗ trợ điện thoại thông minh cho người có uy tín

0:00 / 0:00
0:00

BBK - Đầu năm 2024, 375 chiếc điện thoại thông minh (nguồn từ Chương trình MTQG) được Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn cấp phát cho người có uy tín trên địa bàn các huyện Ba Bể, Pác Nặm, Chợ Mới. 

z5451843519301_751387f8b05bb19406cba0b6a910ed3b.jpg
Ông Nguyễn Văn Lâm, người có uy tín thôn Bản Luộc, xã Phúc Lộc (Ba Bể) sử dụng điện thoại thông minh được cấp để cập nhật thông tin thời sự.

Qua đó giúp người có uy tín tăng cường nắm bắt thông tin, phục vụ tốt hơn cho công tác tuyên truyền, vận động người dân vùng DTTS và miền núi.

Từ ngày được cấp điện thoại thông minh, ông Nguyễn Văn Lâm, người có uy tín thôn Bản Luộc, xã Phúc Lộc (Ba Bể) luôn mang bên mình dùng để liên lạc với gia đình, bạn bè, người thân hoặc nhận phân công, chỉ đạo của thôn, xã mỗi khi có việc chung. Điện thoại có sóng 4G, những lúc rảnh rỗi, ông Lâm lướt xem mạng xã hội và đọc báo để tìm hiểu thông tin thời sự, chính trị của đất nước và trong tỉnh.

Là người có uy tín, ông Lâm cho rằng bản thân mình cần có những kiến thức cơ bản để nói dân tin, dân làm theo. Vì thế, ông tích cực tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng do cấp trên tổ chức, cũng như thường xuyên cập nhật tin tức trên báo, đài và mạng xã hội.

Lãnh đạo xã Phúc Lộc (Ba Bể) trao đổi với người có uy tín về cách thức để sử dụng điện thoại thông minh đúng quy định, hiệu quả.

Ông Nông Văn Nhược, Chủ tịch UBND xã Phúc Lộc cho biết: “Phúc Lộc có 17 người có uy tín tại 17 thôn. Một số người có uy tín lớn tuổi, sinh sống ở thôn, bản vùng cao nên không có điện thoại thông minh. Chính sách hỗ trợ điện thoại của Ban Dân tộc tỉnh cho đội ngũ người có uy tín rất kịp thời và hiệu quả, góp phần giúp việc trao đổi thông tin giữa xã và người có uy tín thuận lợi hơn”.

Là Trưởng thôn và người có uy tín của thôn Cốc Tộc, xã Nam Mẫu (Ba Bể), anh Lý Văn Thiết thường xuyên thông tin, liên lạc với xã và truyền đạt thông tin đến người dân. Trong điện thoại thông minh do Ban Dân tộc tỉnh cấp, anh Thiết tham gia rất nhiều nhóm zalo phục vụ công tác như: Nhóm “Đại biểu HĐND xã”, nhóm “Hội Nông dân”, nhóm “Ban chỉ đạo sản xuất”, nhóm “kết nối Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố”…

z5451822679431_8c76738be721cd416c9d14f8654c5699.jpg
Anh Lý Văn Thiết, Trưởng thôn, người có uy tín thôn Cốc Tộc, xã Nam Mẫu (Ba Bể) sử dụng điện thoại thông minh để đọc tài liệu lớp tập huấn.

“Trong thời buổi công nghệ số thì chiếc điện thoại thông minh rất quan trọng. Nhờ nó mà thông tin chỉ đạo từ tỉnh, huyện, xã xuống đến các thôn, bản nhanh chóng, kịp thời hơn. Bản thân tôi cũng ít phải ra trụ sở xã hay đến các hộ dân để thông báo từ khi có điện thoại thông minh với các nhóm zalo cộng đồng”, anh Lý Văn Thiết cho hay.

Thực hiện Tiểu dự án 1 (Dự án 10) thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong quý I, Ban Dân tộc tỉnh tiến hành cấp 375 chiếc điện thoại thông minh cho 375 người có uy tín thuộc 03 huyện Chợ Mới, Pác Nặm, Ba Bể (huyện Pác Nặm 93 chiếc; Ba Bể 152 chiếc; Chợ Mới 130 chiếc). Việc cấp phát được thực hiện bảo đảm đúng đối tượng, đúng quy định và mang lại hiệu quả thực tiễn. Ban Dân tộc tỉnh cũng đã xây dựng và ban hành quy chế sử dụng điện thoại được hỗ trợ để giúp người có uy tín sử dụng đúng mục đích và hiệu quả.

Bà Triệu Thị Thu Phương, Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết: Việc cấp điện thoại thông minh cho người có uy tín thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với vai trò, đóng góp của người có uy tín trong cộng đồng. Tạo thuận lợi cho người có uy tín trong thông tin liên lạc, tiếp cận thông tin trên môi trường mạng phục vụ công tác tuyên truyền, vận động người dân và chuyển đổi số ở các địa phương. Thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục phối hợp triển khai các quy trình, thủ tục để cấp điện thoại thông minh cho người có uy tín còn lại trên địa bàn tỉnh./.

Xem thêm