Chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Lê Quốc Minh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Quang cảnh hội nghị. |
Hội nghị thu hút sự tham gia của hơn 700 đại biểu, cán bộ lãnh đạo các cơ quan báo chí trong toàn quốc. |
Hội nghị có sự tham dự của hơn 700 đại biểu, gồm đại diện lãnh đạo: Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, cơ quan chủ quản báo chí; đại diện lãnh đạo các thường trực tỉnh ủy, thành ủy; đại diện lãnh đạo các ban tuyên giáo tỉnh ủy, thành ủy, sở thông tin và truyền thông, hội nhà báo các tỉnh, thành phố; cơ quan báo chí Trung ương và địa phương...
Tham dự Hội nghị, về phía tỉnh Bắc Kạn có đồng chí Trần Thị Lộc, Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo Báo Bắc Kạn, Đài PTTH tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông.
Đại biểu tham dự hội nghị. |
Dự thảo Báo cáo đánh giá công tác báo chí năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp năm 2023; Báo cáo về hoạt động công tác Hội Nhà báo Việt Nam thống nhất nhận định, năm 2022, báo chí tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, thể hiện những bước chuyển mình quan trọng: Công tác chỉ đạo, định hướng, quản lý báo chí tiếp tục được thực hiện nhất quán theo phương châm chủ động, kịp thời, nhạy bén, hiệu quả.
Công tác thông tin, tuyên truyền trên báo chí nêu cao tinh thần chủ động, tích cực triển khai nhiều nhiệm vụ, trong đó, đặc biệt ưu tiên dung lượng, thời lượng tuyên truyền nghiên cứu, quán triệt đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cùng các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống; góp phần rất quan trọng vào việc củng cố, tăng cường niềm tin đối với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. Công tác chấn chỉnh, xử lý sai phạm và dấu hiệu sai phạm trong hoạt động báo chí, nhất là những vấn đề liên quan việc thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích, thông tin sai sự thật, thông tin không phù hợp với lợi ích quốc gia, dân tộc, được thực hiện bài bản, quyết liệt, nhằm hỗ trợ báo chí phát triển đúng định hướng, lành mạnh.
Hội nghị thảo luận về những nhiệm vụ, giải pháp năm 2023. |
Với tinh thần dân chủ, nghiêm túc, thẳng thắn, trách nhiệm, Hội nghị dành thời gian nghe các đại biểu tham luận, trao đổi, chia sẻ về những vấn đề cần quan tâm trong công tác báo chí hiện nay cũng như đời sống báo chí - truyền thông; nhận diện xu hướng, thách thức, từ đó xác định những nhiệm vụ, giải pháp cho năm 2023 và trong giai đoạn tới. Hội nghị thống nhất nhận định, năm 2023 là năm bản lề trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đòi hỏi các cơ quan báo chí, đội ngũ người làm báo và các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí cần phát huy hơn nữa những kết quả đã đạt được trong năm 2022; triệt để khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” như tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Tại Hội nghị, thay mặt Ban Tổ chức, đại diện lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông phát động hưởng ứng tuyên truyền gương điển hình tiên tiến giai đoạn 2022 - 2025 theo Quyết định số 1256/QĐ-TTg, ngày 09/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Ban Tổ chức Hội nghị đã lựa chọn 32 tập thể để tặng Bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương vì thành tích xuất sắc trong công tác báo chí năm 2022.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định: Báo chí phải đặt lợi ích của quốc gia và dân tộc lên trên hết, phải vì lợi ích của Nhân dân, sự đoàn kết của dân tộc.
Định hướng các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023, đồng chí đề nghị toàn ngành tuyên giáo cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ như: Tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, bám sát những định hướng lớn trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả tham mưu tổ chức nghiên cứu, học tập, tuyên truyền các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Đảng. Công tác thông tin, tuyên truyền, báo chí, xuất bản, dư luận xã hội cần tập trung tham mưu chỉ đạo, định hướng, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện có hiệu quả chương trình hành động, mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.../.
Đăng Bách