Dự và chủ trì Hội thảo có GS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Cùng chủ trì có PGS, TS Lý Việt Quang, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng; TS Đinh Ngọc Quý, Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng. Tham dự Hội thảo có đại diện Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lạng Sơn, Ban Tuyên giáo Huyện ủy Văn Lãng, đại diện thân nhân gia đình đồng chí Hoàng Văn Thụ, các nhà khoa học trong và ngoài Học viện.
Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, GS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, với 35 năm tuổi đời, 16 năm hoạt động cách mạng liên tục, cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Hoàng Văn Thụ là tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Tưởng nhớ đồng chí Hoàng Văn Thụ, chúng ta tự hào về một người cộng sản kiên trung, mẫu mực, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của Đảng bộ và nhân dân Lạng Sơn.
Đồng chí Hoàng Văn Thụ tên khai sinh là Hoàng Ngọc Thụ, sinh ngày 4-11-1909, trong một gia đình nông dân dân tộc Tày có truyền thống yêu nước và hiếu học ở thôn Phạc Lạn, tổng Nhân Lý, châu Văn Uyên (nay là thôn Nhân Hòa, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn). Với tấm lòng yêu nước nồng nàn, tư chất thông minh, sự nhạy bén về chính trị, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã sớm nhận thấy sự đúng đắn và kiên định đi theo con đường cách mạng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chỉ dẫn. Là một trong những đảng viên của thời kỳ dựng Đảng, đồng chí đã tích cực tham gia phong trào đấu tranh cách mạng, tham gia thành lập Chi bộ đặc biệt ở Long Châu, Trung Quốc và được Đảng tin tưởng, giao trọng trách Phụ trách Ban Cán sự Đảng của tỉnh Lạng Sơn, Ủy viên Xứ ủy, rồi Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng, phụ trách công tác dân vận, mặt trận. Ngày 24-5-1944, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã anh dũng hy sinh trước mũi súng quân thù. Tên tuổi, sự nghiệp cách mạng của đồng chí đã trở thành tấm gương sáng cho nhiều thế hệ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân học tập, noi theo.
Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được hơn 20 bài tham luận. Từ nhiều góc độ khác nhau, các tham luận và ý kiến phát biểu tại Hội thảo đã đi sâu phân tích, luận giải sâu sắc và làm sáng tỏ về thân thế, sự nghiệp, hoạt động, cống hiến của đồng chí Hoàng Văn Thụ trên một số nội dung cơ bản sau:
Thứ nhất, các tham luận và ý kiến phát biểu đi sâu phân tích, làm rõ ảnh hưởng của truyền thống quê hương, gia đình đến nhân cách và chí hướng cách mạng của đồng chí Hoàng Văn Thụ.
Các tham luận và ý kiến phát biểu tại Hội thảo nêu rõ, tỉnh Lạng Sơn, huyện Văn Lãng là một vùng đất biên cương, giàu truyền thống văn hóa. Ở vị trí chiến lược, hiểm yếu, nhân dân các dân tộc ở đây, trong suốt chiều dài lịch sử đã cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất; anh dũng, kiên cường trong các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, lập nên nhiều chiến công vẻ vang, góp phần quan trọng vào thắng lợi to lớn của dân tộc.
Sinh ra trong một gia đình nông dân yêu nước, được cha mẹ cho học hành và rèn luyện, tu dưỡng; được hấp thụ giá trị tốt đẹp của quê hương đã hun đúc nên nhân cách cao đẹp của đồng chí Hoàng Văn Thụ. Đó chính là nền tảng, là cội nguồn sức mạnh, để khi Hoàng Văn Thụ gặp lý tưởng cách mạng đã quyết định dấn thân và trở thành người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, trọn đời chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì độc lập tự do của dân tộc.
Thứ hai, làm sáng rõ những cống hiến quan trọng của đồng chí Hoàng Văn Thụ trong giai đoạn đầu thành lập Đảng, trên cương vị, trọng trách đồng chí được Đảng tin tưởng, giao phó.
Là thành viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, sau đó gia nhập Đông Dương Cộng sản Đảng, đồng chí có đóng góp quan trọng trong việc gây dựng cơ sở của Hội, của Đảng; tham gia huấn luyện cán bộ; tuyên truyền và phát triển phong trào cách mạng ở vùng biên giới Lạng Sơn, Cao Bằng.
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đồng chí là cán bộ lãnh đạo đầu tiên của Tỉnh ủy Lạng Sơn, một trong những cán bộ lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam. Là Phó Bí thư, sau đó là Bí thư Chi bộ đặc biệt Long Châu, trực tiếp phụ trách phong trào cách mạng ở Lạng Sơn, đồng chí đã tổ chức, chỉ đạo phong trào cách mạng vùng biên giới có bước phát triển vượt bậc trong điều kiện bị thực dân Pháp tăng cường khủng bố. Đồng chí đã có công lao lớn trong việc thành lập Chi bộ Thụy Hùng (Văn Uyên) - chi bộ đảng đầu tiên ở Văn Uyên, Lạng Sơn và là chi bộ nòng cốt để thành lập Ban Cán sự tỉnh Lạng Sơn vào tháng 8-1934, do đồng chí trực tiếp phụ trách.
Trong phong trào đấu tranh dân chủ, đồng chí đã chỉ đạo các cấp ủy Đảng ở Cao Bằng - Lạng Sơn tăng cường vận động đồng bào các dân tộc thiểu số đấu tranh đòi dân chủ, chống chiến tranh; đồng thời tiếp tục gây dựng và phát triển cơ sở cách mạng ở nhiều tỉnh miền núi phía Bắc và các địa phương ở Bắc Kỳ, làm nòng cốt cho việc mở rộng và phát triển phong trào cách mạng trên một địa bàn rộng lớn ở miền Bắc nước ta. Trên địa bàn Hà Nội, dưới sự chỉ đạo của đồng chí và Xứ ủy Bắc Kỳ, cuối năm 1939, Thành ủy Hà Nội từng bước được phục hồi sau nhiều lần bị tan vỡ do kẻ thù khủng bố.
Là Xứ ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ, sau đó là Bí thư Xứ ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng, đồng chí đã cùng với Trung ương Đảng xây dựng đường lối, xây dựng lực lượng, đưa cách mạng vào thời kỳ mới, thời kỳ đấu tranh giành chính quyền. Với sự nhạy bén về thời cuộc, ngay khi cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn bùng nổ, đồng chí đã họp bàn với Ban Thường vụ Xứ ủy, đề ra chủ trương: Duy trì Đội du kích Bắc Sơn làm nòng cốt xây dựng lực lượng vũ trang và căn cứ địa cách mạng sau này. Đồng chí tham dự Hội nghị quan trọng quyết định đường lối chiến lược, sách lược của Đảng: Hội nghị Trung ương Đảng tháng 11-1940; Hội nghị Trung ương 8 (từ ngày 10 đến ngày 19-5-1941); đồng thời triệu tập, chủ trì các Hội nghị của Xứ ủy phổ biến Nghị quyết mới của Trung ương, thống nhất tư tưởng và hành động, cụ thể hóa thành nội dung, biện pháp cụ thể, phù hợp với phong trào đấu tranh ở các địa phương Bắc Kỳ. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí, phong trào cách mạng của các địa phương ở Hà Nội và các tỉnh Bắc Kỳ phát triển lên một bước mới, góp phần thúc đẩy nhanh chóng điều kiện tiến hành Tổng khởi nghĩa trong toàn quốc.
Trên lĩnh vực báo chí, đồng chí tham gia chỉ đạo xuất bản nhiều sách, báo, tạp chí làm công cụ tuyên truyền cách mạng. Là nhà lý luận, là cây bút sắc sảo, đồng chí viết nhiều bài báo, cuốn sách phổ biến đường lối của Đảng, hướng dẫn quần chúng đấu tranh, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên trước những thay đổi của tình hình quốc tế và trong nước.
Thứ ba, các tham luận và ý kiến phát biểu làm rõ những phẩm chất đạo đức của đồng chí Hoàng Văn Thụ, tấm gương của một cán bộ lãnh đạo kiên trung, mẫu mực, tài năng của Đảng.
Từ thanh niên yêu nước, đồng chí Hoàng Văn Thụ sớm giác ngộ lý tưởng cộng sản và trở thành người cộng sản lớp đầu của thời kỳ dựng Đảng. Với ý chí, nghị lực và niềm tin sắt son vào cách mạng, đồng chí Hoàng Văn Thụ không quản ngại hy sinh gian khổ, sẵn sàng gánh vác, đi đến những nơi khó khăn, nguy hiểm nhất. Là một cán bộ lãnh đạo, đồng chí luôn gương mẫu đi đầu, nêu cao ý thức chấp hành kỷ luật, gắn bó mật thiết với nhân dân, vận dụng sáng tạo lý luận cách mạng vào hoàn cảnh cụ thể, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trên các trọng trách được Đảng tin tưởng giao phó.
Bị sa vào tay kẻ thù, dù chúng dùng nhiều thủ đoạn xảo quyệt, dã man, từ mua chuộc, dụ dỗ, đến dùng cực hình tra tấn, song đồng chí Hoàng Văn Thụ vẫn giữ vững ý chí, khí tiết của người cộng sản kiên trung. Đồng chí đã biến phiên tòa xét xử của chính quyền thực dân thành nơi luận tội và tố cáo đanh thép tội ác của chúng, đồng thời tuyên truyền mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng, kêu gọi các đồng chí đang bị giam giữ không ngừng nuôi dưỡng tinh thần đấu tranh bền bỉ và niềm tin vào tương lai tươi sáng của cách mạng. Hình ảnh hiên ngang, bất khuất của đồng chí trước pháp trường mãi mãi là bản anh hùng ca về khí tiết của người cộng sản trước quân thù. Hy sinh oanh liệt khi tuổi đời còn trẻ, đồng chí đã nêu tấm gương sáng cho lớp lớp thế hệ người Việt Nam yêu nước đứng lên, tiếp nối sự nghiệp cách mạng vẻ vang, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân.
Hội thảo được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 115 Ngày sinh của đồng chí Hoàng Văn Thụ là việc làm có ý nghĩa thiết thực để chúng ta thành kính tưởng nhớ, tri ân, làm rõ những cống hiến của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; bổ sung tư liệu về cuộc đời của đồng chí; góp phần thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW và Kết luận 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; bồi dưỡng, giáo dục lý tưởng và truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc giai đoạn hiện nay./.
ThS Phùng Hải Hậu